BelizeHài cốt của một thiếu niên Maya phủ đầy pha lê sau khi bị người Maya bỏ vào hang động dưới lòng đất để hiến tế.
Người Maya cho rằng hang động, đặc biệt là những hang trải dài vài kilomet dưới lòng đất, là lối vào địa ngục hay Xibalba, “mảnh đất của nỗi sợ hãi”, nơi quỷ dữ sinh sống. Họ rất sợ địa ngục và cảm thấy cần xoa dịu các vị thần sống ở đó bằng cách tiến hành hiến tế con người. Một hang động mà người Maya thực hiện nghi thức đáng sợ này là ở trung tâm Beliz, gần San Ignacio, trong khu bảo tồn tự nhiên núi Tapir.
Hang Actun Tunichil Muknal hay gọi tắt là “ATM” được phát hiện lần đầu tiên vào cuối thập niên 1980. Lối vào hang có hình đồng cát và ngập nước. Tàn tích của đồ cúng tế nằm ngay miệng hang, bắt đầu với những chiếc vỏ ốc sên và ngày càng nhiều hơn khi tiến sâu vào trong hang. Khoảng 400 m tính từ cửa hang là khu vực chính chứa hài cốt 14 người, bao gồm hài cốt phủ pha lê có tên Crystal Maiden.
Hài cốt ban đầu được cho là người phụ nữ ngoài 20 tuổi nằm ngửa với phần miệng há to và toàn bộ xương phủ kín đá pha lê calcite lấp lánh, khiến các nhà nghiên cứu đặt tên cho người chết là “Crystal Maiden”. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra kỹ hơn hé lộ bộ xương thuộc về một thiếu niên 17 tuổi, bị thầy tu Maya cổ đại hiến tế cách đây hơn 1.000 năm.
Bộ xương còn đặc biệt ở tư thế nằm và có hai chiếc xương sườn bị gãy. Nhóm nghiên cứu cho rằng người này có thể chết theo cách vô cùng bạo lực trước khi bị ném lên mặt đất và nằm ở đó ít nhất 1.100 năm qua. Trên thực tế, bộ xương đã tồn tại lâu đến mức bị canxi hóa hoàn toàn.
Những bộ xương khác nằm trong ngóc ngách hoặc giữa khoảng đất trống, từ hài cốt trẻ em một năm tuổi tới người trưởng thành trong độ tuổi 30 – 40. Khắp mọi nơi trong hang chất đầy bình gốm, nhạc cụ, trang sức, tượng nhỏ và xương cá đuối. Nhiều đồ tạo tác cũng bị canxi hóa trên nền hang. Người Maya còn đẽo hang động để tạo ra bàn thờ cúng tế, hình gương mặt và động vật hoặc chiếc bóng.
Nghiên cứu gần đây về khí hậu cổ đại ở vùng Trung Bộ Nam Mỹ hé lộ hạn hán có thể đóng vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của nền văn minh này. Nhiều khả năng mục đích đó là lý do hoạt động hiến tế ngày càng tăng lên vào cuối thế kỷ 9, trước khi đế chế Maya sụp đổ. Phần lớn đồ tạo tác phát hiện ở Actun Tunichil Muknal vẫn ở trong điều kiện giống như ban đầu, biến nơi này thành một trong những hang động nguyên vẹn nhất chứa đồ hiến tế của người Maya.
An Khang (Theo Amusing Planet/IFL Science)