Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký quyết định công nhận 45 xã thuộc 15 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn nông nông mới kiểu mẫu.
Trong số các địa phương được công nhận, chiếm số lượng lớn nhất là Thanh Trì với 15/15 xã (đạt 100% số xã); tiếp đến là các huyện Đông Anh 4 xã; Đan Phượng, Mỹ Đức, Ứng Hòa mỗi huyện có 3 xã; Hoài Đức, Thạch Thất, Thanh Oai, Phú Xuyên, Gia Lâm mỗi huyện có 2 xã; Quốc Oai, Chương Mỹ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây mỗi huyện, thị xã có 1 xã.
Theo Quyết định, các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đợt 1 năm 2023 được UBND thành phố tặng Bằng công nhận dạnh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 và Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố. UBND các huyện và UBND các xã có trách nhiệm duy trì, nâng cao chất lượng các lĩnh vực đã đạt và tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện theo quy định.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, với kết quả đạt được, Hà Nội đã vượt chỉ tiêu đề ra đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 (kế hoạch đề ra 33 xã).
Việc công nhận 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đợt 1 năm 2023, TP Hà Nội đã khẳng định luôn đi đầu cả nước trong nhiều phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (thứ hai, từ trái sang phải) cùng Đoàn công tác của thành phố Hà Nội kiểm tra việc thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Trong ảnh: Đoàn đến thăm, kiểm tra sản xuất tại Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn ở thị trấn Chúc Sơn. Ảnh: Trần Long
Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, thành phố Hà Nội đã chủ động vào cuộc với nhiều cách làm bài bản, sáng tạo. Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.
Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chương trình số 24-CTr/TU ngày 3/2/2023 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 16/6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. HĐND thành phố ban hành 2 nghị quyết bố trí vốn cho các dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 và năm 2023.
Trong đó, thành phố hỗ trợ 1.226,7 tỷ đồng để các huyện, thị xã xây dựng nông thôn mới năm 2022 và phân bổ vốn năm 2023 cho chương trình là 1.713,05 tỷ đồng.
Ngày 3/8/2023, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định số 3908/QĐ-UBND điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023. Theo đó, hỗ trợ bổ sung thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là 400 tỷ đồng để thực hiện 30 dự án. Như vậy, tổng ngân sách TP hỗ trợ cho Chương trình năm 2023 là 2.113,05 tỷ đồng.
Theo kết quả báo cáo của Sở KH-ĐT Hà Nội, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách TP hỗ trợ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đến cuối năm 2023 đạt khoảng 1.377,73 tỷ đồng.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025, ngày 13/3/2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” thành phố Hà Nội đến năm 2025. TP phấn đấu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 70%; đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trở lên; mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch và nhiều tiêu chí cụ thể khác.