Di sản thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam. Việc quản lý, bảo vệ Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và Quần đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) đang được hai địa phương phối hợp thực hiện hiệu quả nhằm phát huy, giữ gìn giá trị của Di sản.
Cuối tháng 10 vừa qua, chuyến tàu cao tốc nối Hạ Long – Cát Bà chính thức khởi hành. Người dân và du khách chỉ mất khoảng một tiếng để đi từ Hạ Long đến trung tâm thị trấn Cát Bà với mức giá 250.000 đồng/người/lượt. Theo ông Phan Văn Tùng, Giám đốc Điều hành Công ty CP Đầu tư Havaco, tuyến tàu cao tốc nối Hạ Long – Cát Bà giúp người dân và du khách có thêm trải nghiệm thú vị, giảm lưu lượng, áp lực cho các tuyến phà vốn rất đông đúc vào cuối tuần; đồng thời, tăng cường kết nối Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà sau khi được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Để đảm bảo việc quản lý, bảo vệ Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và UBND huyện Cát Hải đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân hoạt động trên Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà, nhất là tại khu vực giáp ranh trong việc chấp hành nghiêm chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định hiện hành. Công tác phối hợp quảng bá hình ảnh Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được tăng cường thực hiện thông qua website và các nền tảng mạng xã hội (facebook, youtube, fanpage…). Đặc biệt, trong năm qua, hình ảnh Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được phát sóng quảng bá trên kênh truyền hình CNN nổi tiếng của Mỹ với hàng tỷ người xem trên toàn thế giới, được hàng trăm đài phát thanh và truyền hình trên toàn cầu tiếp sóng; qua đó, góp phần lan toả giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản ra thế giới.
Hai bên cũng tăng cường thực hiện thông qua 20 đợt giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn Di sản. Tuy nhiên, trong năm 2024, Di sản chịu ảnh hưởng nặng nề cơn bão số 3 (Yagi), Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã nhanh chóng mời các cơ quan chức năng đến đánh giá hiện trạng và tư vấn cách thức khắc phục. Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Sau cơn bão số 3, đơn vi đã mời Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cử chuyên gia hỗ trợ đánh giá sơ bộ thiệt hại của cơn bão đến thảm thực vật tại các đảo và điểm du lịch trong khu vực Di sản thế giới Vịnh Hạ Long. Đồng thời, Ban cũng mời chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đánh giá ảnh hưởng của cơn bão đến giá trị nổi bật toàn cầu địa chất địa mạo Vịnh Hạ Long. Ban cũng đón tiếp và làm việc với Đoàn đánh giá liên ngành gồm Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, chuyên gia đánh giá và quản lý rủi ro của ICOMOS, đại diện Cục Di sản Văn hoá thực hiện chương trình đánh giá và xác minh mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của bão Yagi đối với Di sản thế giới Vịnh Hạ Long, trong khuôn khổ Chiến lược quốc tế về giảm nhẹ thiên tai của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Đoàn đánh giá liên ngành, gồm chuyên gia đánh giá và quản lý rủi ro của ICOMOS, đại diện Cục Di sản Văn hoá, Văn phòng UNESCO Hà Nội khảo sát mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của bão Yagi đối với Vịnh Hạ Long.
Cùng với việc chung tay quản lý Di sản, hai địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong tham mưu, đề xuất mở thêm hành trình tham quan du lịch Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có 2 tuyến kết nối với Quần đảo Cát Bà của TP Hải Phòng, gồm: Hành trình VHL5 từ Hạ Long đi động Thiên Cung – hang Đầu Gỗ – hòn Chó Đá – Ba Hang – hòn Đỉnh Hương – Hòn Trống Mái – bến Gia Luận, Cát Bà; Hành trình VHL6 từ Hạ Long đi Chân Voi – Vụng Ba Cửa – đảo Tùng Lâm – hòn Cặp Bài (điểm cuối của hành trình tiếp giáp với Gia Luận, Vịnh Lan Hạ, Hải Phòng).
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được tỉnh Quảng Ninh và TP Cát Bà đặc biệt quan tâm là công tác phối hợp quản lý, bảo vệ môi trường. Chương trình “Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà không rác thải nhựa” tiếp tục được hai bên tuyên truyền và tổ chức thực hiện hiệu quả. Vào ngày 20 hằng tháng, hai bên phối hợp tổ chức các đợt ra quân làm sạch môi trường tại khu vực giáp ranh giữa hai vịnh (từ khu vực Gia Luận đến khu vực Vạn Tà). Trong thời điểm Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà xảy ra sự cố môi trường do tháo dỡ, thay thế vật liệu tại các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản và ảnh hưởng của cơn bão số 3, hai bên đã kịp thời huy động lực lượng, kêu gọi sự chung tay vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng tổ chức thu gom rác thải (bè, mảng, phao xốp…) trôi nổi trên mặt biển.
Với sự nỗ lực của 2 địa phương, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà tiếp tục là điểm đến du lịch được đông đảo khách tham quan lựa chọn. Tính đến ngày 31/10/2024, Vịnh Hạ Long đón trên 2,6 triệu lượt khách (trên 1,5 triệu lượt khách quốc tế), ước đến hết năm 2024, đón tiếp khoảng 3,1 triệu lượt khách tham quan. Quần đảo Cát Bà đón tiếp trên 1 triệu lượt khách tham quan, trong đó có 650.000 lượt khách quốc tế.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long phối hợp với UBND huyện Cát Hải (TP Hải Phòng) tổ chức hội nghị tổng kết công tác phối hợp quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà năm 2024.
Tuy nhiên, với diện tích khu vực giáp ranh rộng lớn, khí hậu thủy văn phức tạp, cùng những khó khăn do chưa có cơ chế phối hợp, quản lý di sản liên tỉnh nên một số hoạt động phối hợp chưa được tổ chức kịp thời và thường xuyên. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng các phương tiện vận chuyển khách chưa tuân thủ hành trình được cơ quan thẩm quyền cấp phép hoạt động; tự ý đưa khách đi tham quan tại các khu vực, địa điểm chưa được cấp thẩm quyền công bố…
Để đảm bảo việc quản lý, bảo vệ Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà, chính quyền 2 địa phương đang rà soát, bàn bạc về các cơ chế, chính sách, cũng như, kiến nghị với Bộ VH-TT&DL và Chính phủ có hành lang pháp lý để căn cứ vào đó xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, quy chế quản lý của hai bên đối với di sản liên tỉnh. Đồng thời, quan tâm đến công tác quảng bá về di sản với những đối tượng khách du lịch tiềm năng.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch (Bộ VH-TT&DL) cho biết: Các chuyên gia, doanh nghiệp đều hy vọng hai địa phương xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước đối với hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch, thời gian tham quan, đặc biệt là hoạt động hướng dẫn tham quan, giải trí và vận chuyển khách du lịch trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Lan Hạ. Xa hơn nữa, hai địa phương cần xây dựng quan hệ hợp tác quốc tế song phương và đa phương; tổ chức đăng cai, tham gia hội nghị, hội chợ, hội thảo quốc tế chuyên nghiệp về du lịch với các tổ chức, đối tác quốc tế. Đặc biệt, cần chủ động tiếp cận với UNESCO để đăng cai tổ chức các hội nghị, hội thảo về phát triển du lịch tại các Di sản thiên nhiên thế giới, Khu dự trữ sinh quyển thế giới và liên quan để nâng tầm thương hiệu điểm đến Di sản thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà.
Theo Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long Vũ Kiên Cường, năm 2025, hai bên tiếp tục phối hợp kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tham mưu chính quyền hai địa phương quản lý, bảo vệ và phát huy bền vững, hiệu quả khu Di sản thế giới vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà… Cùng với đó, hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu việc ban hành cơ chế chính sách quản lý di sản liên tỉnh; hoàn thành các nội dung khuyến nghị của Uỷ ban Di sản thế giới tại các kỳ họp lần thứ 45 (2023) và lần thứ 46 (2024). Ban cũng chủ động tham mưu đón tiếp và làm việc với Đoàn Giám sát phản hồi của Trung tâm Di sản thế giới và IUCN đánh giá tổng thể hiện trạng bảo tồn Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, dự kiến diễn ra trong tháng 2/2025.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/nang-tam-di-san-vinh-ha-long-va-quan-dao-cat-ba-3332498.html