Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm đang nhận được quan tâm nhiều từ dư luận. Nhiều người cho rằng, quản lý việc dạy thêm, học thêm là đúng để tránh tình trạng dạy thêm tràn lan, tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Có tình trạng giáo viên "giữ bài" để dạy thêm?
Dư luận bao năm qua nhiều lần nhắc đến việc để dạy thêm, giáo viên thường "để dành" bài giảng trên lớp, đến khi học thêm mới dạy cho học sinh. Điều này dẫn đến việc học sinh bắt buộc phải đi học thêm mới làm được bài và đạt điểm cao.
Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Mai Anh, một giáo viên Tiểu học ở Hà Nội chia sẻ: "Tôi không biết các cô giáo khác thế nào chứ tôi phải cố gắng lắm mới đủ thời gian dạy trên lớp. Lớp tôi chủ nhiệm đa phần là học sinh kém, phụ huynh không quan tâm. Cô giáo nhắn tin nhắc nhở phụ huynh cũng mặc kệ. Thế là ở lớp cô giáo phải "bò" ra để dạy.
Nhiều người nói cô giáo o ép bắt học sinh đi học thêm nhưng nói thật kiến thức của mình quá nặng. Cải cách sách càng nặng hơn trước thì sao các cô dám buông nổi ở lớp dồn kiến thức sang lớp học thêm được 2 tiếng đồng hồ? Nếu cấm thì chỉ khổ học sinh thôi".
Học sinh một trường THPT tại Hà Nội. Ảnh: Tào Nga
Tuy nhiên, ở cấp học cao hơn, nhiều giáo viên khẳng định có tình trạng này nhưng chỉ là hy hữu.
Thầy Nguyễn Minh Đạt, giáo viên dạy Văn ở TP.HCM xác nhận: "Cũng có trường hợp này và cho thấy có sự buông lỏng của lãnh đạo trong việc quản lý học sinh". Giáo viên này cho rằng hiện nay chương trình học vẫn còn nặng. Ngành Giáo dục cần tổng kết, rà soát, chỉnh lý để tinh giản một số phạm vi kiến thức hàn lâm, chưa cần thiết. Như vậy sẽ góp phần giảm thiểu dạy thêm, học thêm.
Thầy Lê Anh Vũ, giáo viên THPT ở TP.HCM nêu ý kiến: "Nói chung chương trình mới hay cũ chắc chắn đều có "một số" giáo viên có cách dạy như vậy để tìm cách dạy thêm học sinh. Điều này khiến học sinh phải dành nhiều thời gian để học lượng kiến thức mà đáng ra thời gian phải học trên lớp là đủ rồi. Đó chỉ là số ít chứ không phải giáo viên nào cũng như vậy".
Nêu ý kiến về Thông tư 29, thầy Vũ cho rằng: "Có thể Bộ GDĐT đang đặt ra vấn đề dẹp triệt để tình trạng dạy thêm học thêm. Tuy nhiên nhu cầu là có thật. Vì vậy nếu cấm sẽ có cái được nhưng cũng sẽ phát sinh một số vấn đề trong thời gian tới. Nhất là việc dạy tăng tiết trong nhà trường (không phải dạy thêm ngoài trường) để theo kịp chương trình mới, nếu không được dạy tăng tiết trong nhà trường giáo viên sẽ rất khó khăn trong việc hướng dẫn học sinh học do số tiết cho phép của Bộ là 108 tiết/ năm, rất sát với bài dạy, không có tiết ôn tập, luyện tập, ôn kiểm tra....
Ngoài ra, phụ huynh thành phố có nhiều người làm tăng ca, nhờ giáo viên dạy và giữ con không được, gây bất tiện không biết gửi con ở đâu. Chúng tôi vẫn đang chờ chỉ đạo từ Sở GDĐT".
Thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên tại Hà Nội cho biết: "Có tình trạng giáo viên không dạy hoặc chỉ dạy một số nội dung, đơn vị kiến thức cho học sinh. Cũng có trường hợp dạy dễ, dạy đơn giản hơn để dành cho dạy thêm. Học sinh chưa nhận thức được đầy đủ kiến thức của môn học, khi thi sẽ không đạt điểm cao như mong muốn. Hoặc khi đi học thêm thầy cô sẽ gợi ý đề thi để các em ôn tập kỹ. Thế nên bắt buộc các em phải đi học thêm. Đây là vấn nạn cần nhận ra và giải quyết".
Theo thầy Khánh, để tránh tình trạng giáo viên để dành kiến thức ép học sinh đi học thêm, chúng ta phải chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi từ Sở GDĐT, Phòng GDĐT hoặc có thể từ Bộ GDĐT. Ngân hàng câu hỏi này sẽ tránh được tình trạng giáo viên dạy lớp nào ra đề cho lớp đó.
Lo lắng chất lượng học sinh khi tốt nghiệp
Thông tư 29 hiện đang nhận được quan tâm từ các trường và hiện tại vẫn chưa có văn bản chỉ đạo chi tiết từ các Sở GDĐT. Nhiều giáo viên lo lắng đến chất lượng dạy và học.
Thầy Nguyễn Xuân Hảo, giáo viên tại THPT Lê Quý Đôn-Hà Đông, Hà Đông, cho biết, trường không dạy thêm nên không ảnh hưởng bởi Thông tư 29. Tuy nhiên, theo thầy Hảo sẽ ảnh hưởng tới giáo viên dạy bên ngoài. Khi Thông tư được áp dụng, giáo viên sẽ phải nghỉ dạy học thêm học sinh của mình. Điều này gây lo lắng cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và cả nhà trường về vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thi tốt nghiệp THPT.
Khi được hỏi về việc học sinh chỉ học kiến thức ở trường đã đủ chưa, thầy Hảo cho rằng: Với môn Văn thì khó bởi ngữ liệu ngoài sách, dạy kỹ năng là chủ yếu. Học văn bản xong không cho thi khiến cho học sinh lúng túng, khó nắm bắt.
Thầy Phan Tiến, giáo viên Trường THPT Hoài Đức A, huyện Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ, do trường đang xây và sửa nên từ học kỳ 1 năm 2024-2025 nhà trường không có phòng học. Học sinh học chính khóa hiện phải đi học nhờ tại cơ sở của Trường Tiểu học Đức Giang. Phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm để thi tốt nghiệp THPT đã tự thuê cơ sở bên ngoài để dạy. Phụ huynh thu tiền và trả công cho giáo viên thông qua cô giáo chủ nhiệm. Sau Tết Nguyên đán 2025, do có Thông tư 29 nên đa số các lớp còn đang nghe ngóng.
Thầy Phan Tiến, giáo viên Trường THPT Hoài Đức A cho rằng cần điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với từng vùng miền, đảm bảo quyền lợi học sinh và thu nhập giáo viên. Ảnh: NVCC
Thầy Tiến kiến nghị, Bộ GDĐT và Sở GDĐT cần điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với từng vùng miền, đảm bảo quyền lợi học sinh và thu nhập giáo viên. Đồng thời, ban hành hướng dẫn chi tiết để tổ chức dạy thêm minh bạch, công bằng, đặc biệt với cán bộ quản lý; tăng cường giám sát nhằm ngăn chặn tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của học sinh và giáo viên.
"Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT là bước tiến trong quản lý dạy thêm, nhưng cần điều chỉnh và hướng dẫn cụ thể để thực hiện hiệu quả, phù hợp thực tế", thầy Tiến nêu quan điểm.
Nguồn: https://danviet.vn/thong-tu-29-day-them-hoc-them-giao-vien-noi-gi-ve-tinh-trang-giau-bai-de-danh-day-them-gay-buc-xuc-20250208110000013.htm
Bình luận (0)