Tỷ phú Củ Chi là một ông nông dân nuôi bò sữa, lập tổ hợp tác thu mua sữa, trả lương tốt

Báo Dân ViệtBáo Dân Việt08/02/2025

Ông Phương, nông dân ở xã Mỹ Hưng, huyện Củ Chi (TP HCM) vừa nuôi bò sữa vừa vận hành tổ hợp tác thu mua sữa cho bà con nông dân. Mỗi ngày tổ hợp tác của ông thu mua khoảng 14 tấn sữa của nông dân.


Nuôi bò sữa theo theo kiểu mới

Ông Châu Chí Phương (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM) trước kia làm công nhân. Sau khi thử nuôi bò sữa ông nhận thấy công việc này mang lại thu nhập ổn định và có nhiều cơ hội phát triển hơn việc làm công ăn lương. Ông Phương quyết định bỏ vốn mua bò giống, xây chuồng trại và khởi nghiệp với đàn bò sữa.

Nông dân nuôi bò sữa lập tổ hợp tác thu mua 14 tấn sữa mỗi ngày, tạo việc làm cho hàng chục người - Ảnh 1.

Ông Châu Chí Phương từng có thời gian làm công nhân. Ảnh: Quang Dương

Không nuôi bò sữa theo cách truyền thống, ông Phương dốc sức tìm hiểu những kiến thức mới để áp dụng cho mô hình của mình. Ông sử dụng tinh phân định giới tính để phối cho đàn bò nhằm cho ra đời những thế hệ bò có năng suất, chất lượng sữa vượt trội. Về thức ăn, ông Phương cân đối giữa việc sử dụng thức ăn công nghiệp và cỏ tự nhiên.

“Đàn bò sữa có rất nhiều cách chăm sóc khác nhau, tùy mỗi người. Tuy nhiên việc chọn thức ăn phải phù hợp, đặc biệt cỏ phải cung cấp đầy đủ cho bò, không lạm dụng thức ăn công nghiệp”, ông Phương nói.

Đến nay, mô hình chăn nuôi bò sữa của ông áp dụng cơ giới hóa trong khâu sản xuất thức ăn thô xanh như: làm đất, bón phân, chăm sóc và thu hoạch cỏ. Chuồng trại được áp dụng hệ thống tưới nước tự động. Sữa sau khi thu hoạch sử dụng hệ thống làm lạnh sữa tiên tiến nhất, đáp ứng tiêu chuẩn của các công ty sữa lớn trên thế giới.

“Tôi thường gặp gỡ anh em nông dân Hà Lan để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Tôi may mắn có cơ hội được tiếp cận nhiều kiến thức hơn các nông dân khác, nên khi học được tôi về chia sẻ lại cho các đồng nghiệp của mình”, ông Phương cho hay.

Nông dân nuôi bò sữa lập tổ hợp tác thu mua 14 tấn sữa mỗi ngày, tạo việc làm cho hàng chục người - Ảnh 2.

Ông Phương không nuôi đàn bò có số lượng lớn mà tập trung vào chất lượng. Ảnh: Quang Dương

Hiện ông Phương đang sở hữu đàn bò hơn chỉ hơn 20 con, mỗi ngày thu hơn 300kg sữa. Tuy nhiên công việc chính của ông là vận hành Tổ hợp tác bò sữa Phú Mỹ Hưng với 7 thành viên. 

Mỗi ngày tổ hợp tác thu mua khoảng 14 tấn sữa tươi của nông dân. Tổ hợp tác là nơi cung cấp sữa tươi số lượng lớn cho Công ty Dutch Lady.

Cạnh đó tổ hợp tác còn kinh doanh vật tư ngành chăn nuôi bò sữa; dịch vụ chăn nuôi, tiêu thụ sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa…

Nông dân nuôi bò sữa lập tổ hợp tác thu mua 14 tấn sữa mỗi ngày, tạo việc làm cho hàng chục người - Ảnh 3.

Hệ thống máy móc hiện đại giúp ông Phương bảo quản sữa tươi đạt tiêu chuẩn do các công ty thu mua đặt ra. Ảnh: Q.D

Nông dân đoàn kết giúp nhau làm giàu

Theo thống kê của Hội Nông dân TP HCM, mỗi năm ông Phương đạt lợi nhuận khoảng 360 triệu đồng và tạo việc làm cho khoảng 15 lao động. Trong đó có 9 lao động thường xuyên với mức lương từ 7-9 triệu đồng/tháng. Lao động thời vụ làm việc cho ông cũng có thu nhập từ 400-500 nghìn đồng/ngày.

Nông dân nuôi bò sữa lập tổ hợp tác thu mua 14 tấn sữa mỗi ngày, tạo việc làm cho hàng chục người - Ảnh 4.

Tổ hợp tác do ông Phương lập ra ngoài việc thu mua sữa, còn cung cấp vật tư cho bà con chăn nuôi bò sữa. Ảnh: Quang Dương

Năm 2022 ông Phương được UBND TP.HCM tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2021. Ông Phương cũng là người đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Thành phố trong 3 năm liên tục (2021-2023).

Những nông dân như ông Phương đang đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành nông nghiệp TP.HCM. Suy nghĩ mới, cách làm mới, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.

Hiện nay, ngành nông nghiệp TP.HCM đang tiếp tục chuyển dịch từ những cây, con kém hiệu quả sang những mô hình nông nghiệp cho thu nhập cao hơn. Ngành chăn nuôi của Thành phố cũng có những thay đổi để kịp thích nghi với nông nghiệp đô thị.

Trong nhiều năm qua, đàn bò sữa trên toàn TP.HCM giảm mạnh. Nếu như năm 2016, tổng đàn bò sữa tại TP.HCM là 113.744 con, thì đến năm 2020 tổng đàn bò giảm chỉ còn 72.309 con và đến năm 2024 đàn bò sữa toàn Thành phố còn 33.225 con.

Việc giảm đàn bò sữa đang đi đúng theo định hướng phát triển ngành chăn nuôi của Thành phố. Trong quá trình đó, những mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ kém hiệu quả phải kết thúc, những mô hình hiệu quả hơn tiếp tục được đầu tư phát triển đem lại thu nhập tốt cho người chăn nuôi.

Nông dân nuôi bò sữa lập tổ hợp tác thu mua 14 tấn sữa mỗi ngày, tạo việc làm cho hàng chục người - Ảnh 5.

Ông Phương vẫn ưu tiên khẩu phần cỏ tươi cho đàn bò. Ảnh: Quang Dương

Định hướng của TP.HCM là duy trì các cơ sở chăn nuôi tập trung đủ điều kiện, khuyến khích giảm dần các cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ, tăng cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và lớn. Đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; chuyển đổi nhanh các loại hình sử dụng đất hiệu quả thấp sang các loại hình sử dụng đất có hiệu quả cao như sản xuất con giống chất lượng cao.

Thành phố thực hiện đồng thời các giải pháp nhằm duy trì quy mô đàn bò sữa cái đạt 35.600 con. Đặc biệt tập trung nâng cao năng suất sữa dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao. Địa bàn chăn nuôi tập trung tại huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.



Nguồn: https://danviet.vn/ty-phu-cu-chi-la-mot-ong-nong-dan-nuoi-bo-sua-lap-to-hop-tac-thu-mua-sua-tra-luong-tot-20250208112225837.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available