Ngày 14.2 Thông tư số 29/2024/TT-BGDDT của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm học thêm chính thức có hiệu lực. Tới nay vẫn còn một số băn khoăn thắc mắc của giáo viên, phụ huynh học sinh về vấn đề này.
Dưới đây là một câu hỏi của các giáo viên, phụ huynh, học sinh về dạy thêm đang được hỏi nhiều, chờ được hướng dẫn cụ thể:
Giáo viên tin học đi dạy chứng chỉ IC3 ở Trung tâm ngoại ngữ tin học ở ngoài trường học thì có gọi là đi dạy thêm không?
Giáo viên tin học của một trường tiểu học công lập tại TP.HCM nêu câu hỏi: "Ngoài giờ làm việc, tôi có ký hợp đồng, đi làm thêm ở một trung tâm ngoại ngữ tin học, tôi được phân công lớp dạy chứng chỉ IC3. Vậy tôi đi dạy ở trung tâm ngoại ngữ tin học này có bị tính là tôi đang đi dạy thêm theo Thông tư 29 không? Và nếu trong quá trình trung tâm trên tuyển sinh, lại có đúng học sinh mà tôi đang dạy em này ở trường tiểu học xin vào học IC3, thì tôi có được dạy em này ở trung tâm không?".
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật của rất đông học sinh, giáo viên
Giáo viên tiếng Anh đi dạy các chứng chỉ Starters, Movers hay IELTS thì có gọi đi dạy thêm không?
Giáo viên dạy tiếng Anh khác ở một trường tiểu học công lập cũng đặt câu hỏi tương tự. Giáo viên này cho biết nếu ngoài giờ làm việc ở trường, cô này ký hợp đồng, đi dạy ở một trung tâm tiếng Anh và việc tuyển sinh hoàn toàn do trung tâm thực hiện. Chương trình cô dạy tại trung tâm tiếng Anh theo các giáo trình khác với sách giáo khoa hiện hành, giúp học sinh lấy các chứng chỉ tiếng Anh khác nhau. Vậy việc làm thêm của cô có bị tính là tham gia đi dạy thêm phải tuân thủ quy định tại Thông tư 29 hay không? Và nếu tình cờ trong quá trình dạy tại trung tâm này, nếu cô được phân công dạy lớp mà có học sinh cô đã dạy ở trường tiểu học thì cô có bị vi phạm gì hay không? "Tôi không tham gia vào quá trình tuyển sinh, và cũng không thu tiền của học sinh. Tôi chỉ đi dạy theo hợp đồng với trung tâm, họ trả tiền cho tôi và tôi không biết quá trình tuyển sinh, thu học phí của trung tâm với người học ra sao", cô này cho biết.
Cô này cũng nêu băn khoăn tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐ ngày 30.12.2024 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm học thêm (gọi tắt là Thông tư 29) có định nghĩa: "Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) trong chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành".
Theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành môn tiếng Anh là môn bắt buộc với học sinh từ lớp 3 trở đi, nhưng học sinh tại TP.HCM từ lớp 1 đã được học các môn tiếng Anh trong trường theo đề án của thành phố. Vậy thì nếu giáo viên tiếng Anh của trường tiểu học đi dạy tiếng Anh cho một trung tâm bên ngoài, lại dạy đúng lớp có học sinh lớp 1, lớp 2 mà mình đang dạy ở trên trường, thì có bị ảnh hưởng gì không? "Thông tư 29 quy định không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Nhưng bây giờ tôi thấy đại đa số học sinh từ tiểu học đều đi học ngoại ngữ (phổ biến là tiếng Anh), vậy điều này có vi phạm gì không?", giáo viên trên thắc mắc.
Học sinh tan học ở một trung tâm dạy thêm học thêm
Công ty giáo dục cũng băn khoăn
Đại diện công ty giáo dục A. đóng trên địa bàn quận Gò Vấp, TP.HCM nêu câu hỏi: "Trong công ty của chúng tôi có một lớp kỹ năng viết văn sáng tạo, chúng tôi ký hợp đồng với một cô B. là giáo viên tiểu học trường công lập. Công ty chúng tôi tuyển sinh và thu tiền học viên. Giáo viên chỉ việc dạy. Theo quy định, công ty phải công khai giáo viên, thông tin giáo viên, học phí... để học viên biết và đăng ký. Do biết cô B. là giáo viên giỏi nên nhiều người đăng ký học. Trong đó có một vài em học sinh cũng học cô B. tại trường của cô. Cô B.đang lo lắng là nếu mình tiếp tục dạy, thì mình đang vi phạm Thông tư 29 nên hiện tại xin tạm nghỉ dạy. Công ty giáo dục của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng, vì cô không dạy, thì nhiều học sinh còn lại cũng không chịu đăng ký học với giáo viên khác, chẳng hạn cô C. Vậy tôi muốn hỏi, trường hợp cô B. nếu vẫn tiếp tục làm việc với công ty chúng tôi thì cô có vi phạm gì không?".
Chuyên viên phòng giáo dục nêu câu hỏi về dạy thêm học thêm
Một chuyên viên phòng giáo dục - đào tạo tại TP.HCM nêu với PV Thanh Niên các thắc mắc về dạy thêm học thêm mà người này chưa rõ từ Thông tư 29.
Cụ thể là các câu hỏi:
- Căn cứ theo khoản 1 điều 2 của Thông tư 29 là nếu dạy các chương trình không nằm trong các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông của cấp học đó thì không phải dạy thêm học thêm. Tuy nhiên việc này có thể dẫn đến việc là các trung tâm (hoặc giáo viên) tự đặt ra các khóa học riêng để lách nhưng nội dung kiến thức dạy thì na ná khó phân biệt nhưng cũng không thể cho đó là môn học trong chương trình phổ thông.
- Ví dụ trung tâm giáo dục, giáo viên sẽ soạn giáo trình, tài liệu riêng để nâng lên thành dạy "kỹ năng", sao cho không bị gán cho là đang dạy thêm các môn học trong chương trình phổ thông, nhưng mức độ, yêu cầu về kiến thức truyền đạt chỉ ở mức phổ thông như môn học bình thường, chỉ là thay dữ liệu cho khác sách giáo khoa mà thôi. Vậy thì liệu cơ quan, cá nhân nào có thể xác định khi kiểm tra thực tế đó có phải là môn học trong chương trình giáo dục phổ thông hay không? Cán bộ phường xã đủ điều kiện để xác định có hay không dạy thêm học thêm? Liệu phòng giáo dục đào tạo có đủ nhân lực, thời gian để bố trí soát xét các tình huống na ná mà không biết có phải dạy thêm, học thêm hay không?
- Ở trường có môn giáo dục thể chất, trong đó có một số môn thể thao được giáo viên dạy ở các mức độ khác nhau theo điều kiện thực tế. Rồi giáo viên đó đi làm thêm ở trung tâm thể thao, ở đó có các lớp cầu lông, bóng bàn, tennis... Giáo viên âm nhạc, mỹ thuật cũng tương tự. Họ cũng đi làm thêm tại các trung tâm có các lớp đàn piano, vẽ tranh... Vậy thì đi dạy ở trung tâm với mấy môn này có gọi là đi dạy thêm không, có phải tuân thủ Thông tư 29 không? Nếu có học sinh của các trường tiểu học, THCS, THPT của các thầy cô cũng học ở các trung tâm này, thì giáo viên có được thoải mái dạy học sinh của mình không?
Ngày 7.2, UBND TP.HCM đã triển khai công văn đến Sở GD-ĐT TP.HCM và UBND TP.Thủ Đức cùng các quận, huyện về việc thực hiện Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm học thêm. Theo đó, trong công văn của UBND TP.HCM nêu, căn cứ Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30.12.2024 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm; Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND TP ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP.
Công văn cũng yêu cầu cần hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm cho các nhà trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn; tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lý; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
Do đó, các giáo viên, phụ huynh, học sinh, các công ty giáo dục cũng như các đơn vị, tổ chức liên quan rất mong Sở GD-ĐT TP.HCM sớm ban hành hướng dẫn, quy định cụ thể về dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-cau-hoi-ve-day-them-hoc-them-dang-duoc-hoi-nhieu-luc-nay-185250207192042868.htm
Bình luận (0)