Học sinh nào ở học khu Gwinnett, Mỹ, cũng phải thuộc lòng bản Tuyên thệ về trách nhiệm, nếu vi phạm nội quy sẽ phải đọc lời tuyên thệ này.
Đinh Thu Hồng, thạc sĩ Giáo dục chuyên ngành tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL), hiện là giáo viên tiểu học tại học khu Gwinnett, tiểu bang Georgia. Theo cô, ra quyết định có trách nhiệm là một trong 5 năng lực cảm xúc xã hội được Tổ chức cộng tác vì Học thuật, Xã hội và Giáo dục cảm xúc (CASEL) tại Mỹ đề ra. Năng lực này được giảng dạy và lồng ghép vào nhiều hoạt động khác nhau trong trường học. Dưới đây là một vài hình thức cụ thể:
Ra quyết định có trách nhiệm
Thử tưởng tượng bạn đang ở trong tiệm kem, bạn sẽ chọn loại kem nào? Kem vanilla hay chocolate, dừa hay dâu, kem que hay kem ốc quế? Bạn nghĩ về điều gì khi chọn loại kem ấy?.
Ra quyết định là khi ta chọn một thứ hay điều gì đó. Hàng ngày, mỗi người đều phải đưa ra những quyết định. Vì thế, học sinh tiểu học được dạy cách để làm điều này có trách nhiệm, như:
– Tham khảo ý kiến của mọi người.
– Dựa vào những giá trị của mình để ra quyết định.
– Nghĩ về những hệ quả có thể có sau mỗi lựa chọn/quyết định.
– Nghĩ về những cái được và mất, lợi và hại của mỗi lựa chọn. Nếu một quyết định có nhiều điểm được thì chắc đó là quyết định đúng đắn và ngược lại.
– Lưu ý hệ quả dài hạn và ngắn hạn.
Xây dựng Vòng tròn trách nhiệm
Vài tuần đầu năm học mới, chúng tôi sẽ tổ chức những bài học về xây dựng cộng đồng người học có trách nhiệm, biết tuân thủ luật lệ, biết động viên và khuyến khích lẫn nhau.
Tôi thường bắt đầu bằng việc để các em trong lớp quây quần thành mấy vòng tròn quanh một bát nước. Tôi thả vào đó một đồng xu, rồi cả lớp trao đổi, chia sẻ những gì các trò thấy: những vòng sóng, những giọt nước bắn lên, đồng xu trong nước trông khác thế nào…
Tôi dẫn dắt vào bài rằng chỉ một hành động nhỏ của bất cứ ai cũng có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh. Sau đó, chúng tôi bàn về những ví dụ khác, để thấy hành động của một cá nhân có thể ảnh hưởng đến những người khác ra sao.
Chẳng hạn, một bạn trong lớp nói chuyện thì các bạn khác sẽ không nghe được lời thầy cô giảng bài; nếu con vứt một chai nhựa ra đường thì khu vực đó rồi cả thành phố bị ô nhiễm ra sao; khách hàng ở siêu thị có hành động thiếu trách nhiệm thì sẽ ảnh hưởng đến người xung quanh thế nào…
Sau đó, tôi dạy cho học sinh về Vòng tròn trách nhiệm (Rings of Responsibilities) trên không gian mạng. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh học sinh thời nay là những công dân số. Tôi giải thích cho các em về “digital footprints”, tức bất cứ thông tin gì đăng lên mạng đều để lại dấu ấn. Dấu ấn đó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân các em mà còn đến nhiều người khác trên không gian mạng.
Các trò đã đưa ra những minh họa sống động như khi ai đó đăng một video lên YouTube rồi mọi người chia sẻ rộng rãi, hay khi ai đó viết bình luận tiêu cực trong nhóm chat chơi game thì người liên quan buồn ra sao.
Lời tuyên thệ về trách nhiệm
Tôi chịu trách nhiệm về chính hành động của mình. Không ai bắt tôi phải làm những gì tôi làm. Nếu bài làm ẩu, tôi phải có trách nhiệm sửa đổi. Nếu tôi cư xử không đúng, tôi phải sửa chữa hành vi của mình. Đã đến lúc tôi chấm dứt việc đổ lỗi cho người khác về những gì tôi làm và bắt đầu nhận trách nhiệm cho chính hành vi của mình. Tôi là tôi bởi những lựa chọn của chính tôi. Có trách nhiệm là chìa khóa dẫn đến thành công. Nếu có điều gì đó xảy ra, thì hoàn toàn tùy thuộc vào tôi. Hãy làm những gì đúng đắn!
Lời tuyên thệ về trách nhiệm (Responsibility Pledge) trên được sử dụng rộng rãi trong các lớp học ở trường tôi, đặc biệt từ mẫu giáo đến lớp ba. Đầu năm học, thầy cô rèn luyện các kỹ năng mềm để các con trật tự khi nghe giảng bài, tập trung trong giờ học, lựa chọn làm những việc đúng… Lời tuyên thệ về tinh thần trách nhiệm này là một trong những cách chúng tôi dạy học trò và nó cực kỳ hiệu quả.
Trò nào cũng có một bản Tuyên thệ và phải học thuộc lòng. Hễ ai trong lớp vi phạm nội quy hay lỡ làm những việc không nên như nói chuyện, mất tập trung, đổ lỗi… thì sẽ phải đọc lời tuyên thệ này lên.
Ba câu hỏi tự vấn
Mỗi khi học sinh có hành vi không có trách nhiệm như nói chuyện trong khi cô giảng bài, làm ồn ngoài hành lang, làm bẩn nhà vệ sinh…, tôi sẽ nhắc nhở các con tự hỏi mình ba câu sau:
– Mình có nên làm điều đó không?.
– Nếu mình làm việc đó thì điều gì sẽ xảy ra?.
– Sẽ có những hệ quả gì khi mình làm điều đó?.
Theo tôi, ba câu này giúp các em nhớ tự vấn mình trước khi quyết định việc gì, nhất là những việc ảnh hưởng đến người khác.
Ngoài ra, trường tôi còn in poster về tinh thần trách nhiệm, dám ở nhiều khu vực trong khuôn viên. Chẳng hạn, ở trong lớp học, có trách nhiệm là hoàn thành bài và tham gia phát biểu. Ở hành lang, điều này thể hiện ở việc đứng ngay ngắn theo hàng lối và giữ tay ở yên bên mình.
Đinh Thu Hồng