Trong những năm qua, dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là một trong số các ngành kinh tế tạo ra nhiều rủi ro cho môi trường và xã hội hơn so với các ngành, lĩnh vực khác. Đáng chú ý, do ngành dệt may phải sử dụng nhiều năng lượng trong quá trình sản xuất nên đây là một trong các ngành công nghiệp có lượng khí thải nhà kính cao. Vì thế, việc giảm phát thải trong ngành dệt may là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhằm hướng tới việc thực hiện mục tiêu trung hòa carbon ở Việt Nam vào năm 2050.
Sản xuất tơ sợi cho ngành dệt may tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt – TTXVN
Nguồn phát thải lớn
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), mỗi năm, ngành dệt may đang chi khoảng 3 tỷ USD cho tiêu thụ năng lượng. Ngành này hiện chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn bộ ngành công nghiệp và phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2/năm. Trong ngành dệt may, các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) là khâu có lượng phát thải carbon cao nhất.
Tuy nhiên, trong Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, ban hành theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã xác định là “là ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế”. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra các mục tiêu khá tham vọng cho ngành dệt may. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2030, Chính phủ kỳ vọng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 6,8%-7,2%/năm, trong đó giai đoạn 2021-2025 phấn đấu đạt từ 7,5%- 8,0%/năm; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 50-52 tỷ USD và năm 2030 đạt 68-70 tỷ USD; tỷ lệ nội địa hoá ngành dệt may giai đoạn 2021-2025 đạt 51%-55% và giai đoạn 2026-2030 đạt 56%-60%.
Với định hướng như vậy, nhiều khả năng lượng phát thải của ngành dệt may có thể sẽ tăng mạnh thời gian tới nếu các doanh nghiệp trong ngành này không chủ động chủ động đầu tư áp dụng các công nghệ và quy trình sản xuất ít phát thải khí nhà kính.
Cần chủ động ngay từ bây giờ
Để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngay từ bây giờ, nhiều ngành nghề, trong đó có dệt may, phải nỗ lực tìm hướng giảm phát thải ra môi trường.
Công nhân dệt may tại Công ty TNHH May mặc Dony. Ảnh: Hồng Đạt – TTXVN
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone (Danh mục trong Quyết định 01/2022/QĐ-TTg do Chính phủ ban hành ngày 18/01/2022), hiện nay, có 294 doanh nghiệp ngành dệt may và da giày phải thực hiện trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính.
Trong bối cảnh đó, phát biểu tại Hội thảo tập huấn về kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực dệt may do Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức gần đây ở TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, nhấn mạnh Nghị định 06 đã đưa ra lộ trình cụ thể cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may, về việc cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở. Ngay từ tháng 3/2025, các doanh nghiệp sẽ phải gửi số liệu tới các cơ quan quản lý, đồng thời xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Từ năm 2026, các doanh nghiệp bắt buộc thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch, để tuân thủ hạn ngạch phát thải được phân bổ.
Ở góc độ toàn cầu, biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những vấn đề cần tính đến trong quản lý rủi ro doanh nghiệp. Hiệu quả cắt giảm phát thải khí nhà kính trở thành một trong những yếu tố mang tính quyết định đối với cổ đông, nhà đầu tư trong vấn đề đầu tư hay thoái vốn.
Ông Koji Fukuda, Cố vấn trưởng Dự án SPI-NDC của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), lưu ý với định hướng mở rộng xuất khẩu của ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp này đang đứng trước áp lực từ các nhà đầu tư, cổ đông, khách hàng trong vấn đề chứng minh sản phẩm của mình phù hợp với các yêu cầu về phát triển bền vững, đáp ứng bộ chỉ số “Môi trường–Xã hội–Quản trị” (ESG), giảm phát thải khí nhà kính.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Tuấn Quang, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp dệt may cần triển khai sớm các bước chuẩn bị triển khai kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải, tránh rơi vào tình trạng lúng lúng trong sản xuất, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh, người lao động. Việc kiểm kê khí nhà kính và đề xuất giải pháp giảm phát thải là việc làm cần thiết, giúp các doanh nghiệp phần nào bắt kịp xu thế thị trường, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng./.
Vũ Hoa