Phát biểu tham luận tại phiên thứ nhất Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV, năm 2024, ông Triệu Đức Văn, Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, từ khi các bộ, ngành Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết cụ thể hóa chính sách.
Để thực hiện tốt các mô hình phát triển sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Triệu Đức Văn đã đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.
Theo Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Kạn, trước tiên, cần tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, gắn sản xuất, chế biến với thị trường, lấy thị trường là tín hiệu đầu vào cho sản xuất. Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác để củng cố kinh tế hộ; tăng cường liên kết, lấy hợp tác xã, doanh nghiệp dẫn dắt hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, cũng như định hướng tiêu chuẩn sản xuất theo yêu cầu tiếp cận thị trường. Với mục tiêu giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến, góp phần tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, sản xuất theo yêu cầu thị trường.
Cải tiến và phát triển chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các ngành hàng chủ lực của địa phương, hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp bằng công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế biến nông sản; tăng cường xúc tiến thương mại, tổ chức lại và mở rộng thị trường tiêu thụ. Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Thúc đẩy phát triển dự báo thị trường, chú trọng khảo sát nhu cầu tiêu dùng, thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Tiếp đó, ông Văn đề xuất, tiếp tục tuyên truyền để các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, cộng đồng dân cư biết và tiếp cận các chính sách hiện hành, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 để đăng ký triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đối với cây trồng, vật nuôi đặc sản, có lợi thế của địa phương để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung.
Cùng với đó tuyên truyền, vận động người dân tổ chức lại sản xuất, lồng ghép các chính sách hỗ trợ từ 3 Chương trình MTQG của trung ương để đầu tư phát triển sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Phối hợp với các tổ chức tín dụng hỗ trợ các chủ thể kinh tế, thành viên hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn nâng cấp, hoàn thiện về sản phẩm, tập trung đổi mới và cải thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật, mở rộng vùng nguyên liệu; nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; hoàn thiện bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Nhiệm vụ thứ tư, theo ông Văn cần huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực ngoài ngân sách, ưu tiên dành vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Việc phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ kịp thời nguồn vốn thuộc 3 Chương trình MTQG để triển khai thực hiện hỗ trợ xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất góp phần tăng thu nhập cải thiện cuộc sống cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
“Nhiệm vụ thứ 6, cần tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên chuyển giao các loại giống chất lượng cao, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Và cuối cùng, các hộ tham gia thực hiện mô hình, dự án cần thực hiện đúng các quy định, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chăm sóc cho cây trồng, vật nuôi. Chủ động trong sản xuất, tăng cường liên doanh, liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm để mở rộng quy mô sản xuất”, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh,
Nguồn: https://danviet.vn/giam-doc-so-nnptnt-tinh-bac-kan-hien-ke-giup-phat-trien-san-xuat-trong-vung-dong-bao-dtts-20241018200503553.htm