Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc tăng trưởng trên 8% năm 2025 dù khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ nhận được sự đồng thuận, quyết tâm rất cao của Trung ương, địa phương và toàn xã hội.
Làm mới các động lực tăng trưởng
Về mục tiêu, chỉ tiêu, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu tổng quát là củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Nhằm góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian tới, theo Báo cáo bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, kịch bản tăng trưởng cũng đã được làm mới để đạt mục tiêu mới. Theo đó, tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó, công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên).
Theo kịch bản này, các khu vực kinh tế tăng tốc, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm 2024 từ 0,7 - 1,3% trở lên; trong đó, công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến - chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Vẫn theo kịch bản mới, quy mô GDP năm 2025 đạt trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD.
Về các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), Chính phủ tính toán, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD). Trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790.700 tỷ đồng).
Đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng 12% trở lên. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD. Tốc độ tăng CPI bình quân 4,5 - 5%.
Báo cáo cũng nêu rõ, điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên, theo Chính phủ, đầu tiên là tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp, phân cấp, phân quyền triệt để. Hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8 - 10%, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước; có cơ chế khuyến khích phù hợp đối với các địa phương tăng trưởng cao, có điều tiết về Trung ương.
Cùng với đó, đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao để trở thành động lực, nhân tố ngày càng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
“Hiến kế” các giải pháp
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, thời gian còn lại của chúng ta không nhiều, trong khi rất nhiều việc phải làm.
Về nhiệm vụ giải pháp, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị, đồng thời đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Theo đó, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Cùng với đó, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả các loại thị trường (tài chính, chứng khoán, khoa học công nghệ, lao động, bất động sản…).
Đồng thời, khẩn trương triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội đã được thông qua, nhất là các văn bản về sắp xếp tổ chức các cơ quan, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt với hiệu quả cao hơn; hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phục vụ triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; đồng thời, tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế.
Mặt khác, đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; trong đó, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa; đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.
Đề xuất giải pháp, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, có nhiều nhiệm vụ mang tính tổng thể, nhưng cũng có giải pháp tức thì. Theo đó, cần phân loại, giải pháp nào thực hiện được ngay thì cần được ưu tiên thực hiện, còn giải pháp dài hơi thì triển khai theo quy trình thông thường.
“Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên thì cần tăng cường đầu tư và nguồn vốn. Mặc dù, đồng tình với việc tăng đầu tư công, nhưng cần có chỉ tiêu về đầu tư tư nhân”, ông An cho hay.
Theo ông An, đầu tư tư nhân đang tăng trưởng 7 - 9% và có xu hướng giảm thời gian qua, do đó, đầu tư tư nhân cần tăng trưởng 2 con số và để làm điều đó thì nguồn lực tín dụng cũng phải được đẩy mạnh.
Cùng với đó, ông Xuân An cũng đồng tình việc Chính phủ thay đổi phương thức quản trị khi giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các địa phương, như: Hà Nội, TPHồ Chí Minh được giao tăng trưởng 8 - 8,5%. Đây là hai đầu tàu tăng trưởng thì hai thành phố tăng trưởng 2 con số được không? Nếu hai thành phố tăng trưởng 2 con số thì sẽ đạt được mục tiêu chung cả nước”, ông Xuân An gợi ý.
Còn đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị cần có Nghị quyết quy định sự phối hợp, liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn với nhau và với doanh nghiệp FDI.
Các dự án không nên quá tập trung vào nhau, dự án thuộc Chính phủ thì Thủ tướng quyết, thuộc bộ thì bộ quyết, thuộc tỉnh thì tỉnh quyết. Điều này nhằm tránh phiền hà trong khi đấu thầu.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần tin tưởng giao việc cho doanh nghiệp tư nhân. Cuối cùng là gỡ bỏ các nút thắt đang triển khai của các dự án vi phạm hoặc vướng luật trên tinh thần vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Được biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua đề án này, Chính phủ sẽ tổ chức ngay hội nghị với tất cả địa phương, mỗi một địa phương phải tăng trưởng đúng chỉ tiêu được giao.
“Với những gì đã và đang làm, mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt được trên 8%”, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tin tưởng.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/-hien-ke-de-dat-muc-tieu-tang-truong-gdp-tren-8/20250219102404236
Bình luận (0)