giải thể công an cấp huyện, cần cơ chế đặc thù cho hoạt động tố tụng

Báo Đô thịBáo Đô thị14/02/2025

Kinhtedothi - Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, đại biểu Quốc hội đề xuất khi thực hiện giải thể công an cấp huyện cần có cơ chế đặc thù riêng cho hoạt động tố tụng.


Ngày 14/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định có hiệu lực thi hành ngay khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này.

Băn khoăn quy định về hiệu lực thi hành

Về hiệu lực thi hành tại Điều 15, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế) tán thành đối với thời gian Nghị quyết có hiệu lực là từ ngày 1/3/2025. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, đối với lực lượng công an, hiện nay không tổ chức công an cấp huyện. Trong khi đó, theo quy định pháp luật về hình sự, lực lượng công an là cơ quan trực tiếp đầu tiên thực hiện những hoạt động tố tụng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế) thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế) thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Nếu Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/3 thì thời gian còn rất ngắn để các cơ quan, Viện, Tòa thực hiện công việc tiếp theo và sẽ khó có sự điều chỉnh phù hợp với việc giải thể công an cấp huyện.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị đối chiếu với hiệu lực Nghị quyết, cần có cơ chế đặc thù riêng để phục vụ cho hoạt động tố tụng.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) đề nghị cần quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành ngay từ khi Quốc hội thông qua để tạo cơ sở pháp lý càng sớm càng tốt cho các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thực hiện việc sắp xếp và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sẵn sàng đi vào hoạt động ngay từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

“Nếu thời điểm hiệu lực của Nghị quyết này là ngày 1/3/2025 thì sẽ là muộn, chưa đáp ứng được mục đích xây dựng Nghị quyết như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Hơn nữa, việc quy định hiệu lực sớm của Nghị quyết này cũng phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Chính phủ về việc bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện tại Công văn số 05 ngày 12/1/2025. Theo đó, trong phần triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu bảo đảm ngay sau khi bế mạc kỳ họp Quốc hội, Tỉnh ủy, UBND cấp tỉnh công bố các quyết định về tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện để hoạt động ngay, không có khoảng trống pháp lý, liên tục, hiệu quả, hiệu lực.

Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) đề nghị cần quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành ngay từ khi Quốc hội thông qua. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) đề nghị cần quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành ngay từ khi Quốc hội thông qua. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, nếu chờ tới ngày 1/3/2025 thì Nghị quyết mới có hiệu lực thi hành là chậm. Vì vậy, theo đại biểu, khi biểu quyết xong thì Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay.

Cần tính toán, xử lý tài sản sau sắp xếp đơn vị hành chính

Quan tâm đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền sau khi tổ chức sắp xếp bộ máy nhà nước được quy định tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) cho hay, Điều 4 hiện chưa quy định rõ quy trình bàn giao công việc đang xử lý như khoản 4 Điều 4 còn quy định chung chung, không có hướng dẫn chi tiết về quy trình bàn giao; không có cơ chế kiểm soát việc các hồ sơ, thủ tục đang xử lý có bị trì hoãn hoặc thất lạc hay không; dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa cơ quan cũ và cơ quan mới. Khoản 2 Điều 4 cũng chưa có cơ chế xử lý các văn bản pháp lý chưa hoàn tất. Khoản 5, Điều 4 chưa có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với công việc bị gián đoạn…

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Từ đó, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất các cơ quan lập danh sách hồ sơ công việc đang xử lý trước khi bàn giao. Đồng thời cần xây dựng danh mục văn bản cần sửa đổi trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức. Mỗi bộ, ngành phải rà soát danh sách văn bản đang trong quá trình soạn thảo hoặc đã ban hành nhưng chịu tác động từ sắp xếp bộ máy; Bộ Tư pháp chủ trì việc điều chỉnh các văn bản này.

Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, cần ràng buộc trách nhiệm cá nhân trong quá trình chuyển giao công việc. Trước khi sáp nhập, lãnh đạo cơ quan phải phê duyệt danh sách công việc đang xử lý và phân công người phụ trách; nếu có sai sót trong chuyển giao, cá nhân chịu trách nhiệm phải bị xem xét kỷ luật theo quy định.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) cho rằng, Điều 4 chưa làm rõ cơ quan mới được tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có thể sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ mới như thế nào trong phạm vi pháp luật cho phép. Điều này có thể gây ra tình trạng chồng chéo hoặc thiếu nhất quán giữa các cơ quan sau sắp xếp. Đồng thời chưa quy định cơ chế hợp tác giữa cơ quan đã bị giải thể/sáp nhập và cơ quan tiếp nhận để xử lý các vấn đề tồn đọng…

đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong quá trình tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã cho thấy nhiều vướng mắc ở địa phương. Ảnh: Quochoi.vn
đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong quá trình tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã cho thấy nhiều vướng mắc ở địa phương. Ảnh: Quochoi.vn

Nêu ý kiến về xử lý tài sản sau sắp xếp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong quá trình tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã cho thấy nhiều vướng mắc ở địa phương. Đáng chú ý, số lượng các cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp rất lớn, khối lượng tài sản rất lớn. Với tài sản được hình thành trong tương lai nằm trong các dự án, đề án mà chủ đầu tư là những cơ quan đang trong diện sắp xếp, thì trách nhiệm đặt ra cho cơ quan là chủ đầu tư khi được chuyển giao cho các cơ quan mới như thế nào cũng cần được tính toán, để các tài sản này được xử lý một cách hợp lý.

Giải trình về ý kiến liên quan đến xử lý tài sản sau sắp xếp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, về xử lý tài sản, chế độ chính sách với cán bộ, công chức, đã có các nghị định ban hành trước đó. Với những vướng mắc phát sinh thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý.



Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dbqh-giai-the-cong-an-cap-huyen-can-co-che-dac-thu-cho-hoat-dong-to-tung.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available