Trung ương gương mẫu
Nghị quyết tổ chức các cơ quan của Quốc hội, số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này cho thấy Quốc hội đã quyết tâm trong chủ trương tinh gọn bộ máy. Theo đó, tổ chức mới của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban, giảm 4 ủy ban so với hiện nay. Đối với bộ máy của Chính phủ, so với đầu nhiệm kỳ (Chính phủ gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ), cơ cấu tổ chức Chính phủ vừa được Quốc hội thông qua giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ, còn lại 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ. Con số này là kết quả của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, hợp nhất các bộ, ngành có chức năng tương đồng, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ.
Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 6 nghị quyết được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành. Ảnh: Quang Khánh
Với việc thông qua tổ chức bộ máy của Quốc hội và Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội lần này đã thể hiện rõ quyết tâm Trung ương gương mẫu đi đầu trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Đúng như mục tiêu tổng quát Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã xác định: nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Trên tất cả là nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
“Tôi cho rằng Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, đặc biệt là phiên họp ngày 18.2 vừa qua đã thể hiện rất rõ trọng trách của Trung ương trước vận mệnh của dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình. Chỉ có tinh gọn bộ máy, xây dựng một bộ máy thực sự hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thì mới đủ sức mạnh để dân tộc vươn cánh bay xa”, Cử tri Nguyễn Tiến Dũng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh nhìn nhận.
Xét về khía cạnh thực thi, qua theo dõi diễn biến kỳ họp những ngày qua, cử tri Ngô Đức Thái, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An khẳng định chủ trương tinh gọn bộ máy là trúng nhưng ông cũng trăn trở với việc triển khai tại các địa phương: “Đã là cuộc cách mạng thì phải có quyết tâm rất cao, đồng thuận lớn và có cả những thiệt thòi, hy sinh quyền lợi. Theo tôi, bên cạnh cơ chế, chính sách kịp thời, mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò tiên phong, tạo điều kiện thuận lợi để cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy sớm hoàn thành, phát huy được hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, Đảng, Nhà nước cũng cần có các giải pháp lộ trình cụ thể để giữ chân người tài, bảo đảm sau tinh gọn bộ máy sẽ vừa hồng vừa chuyên”, ông Thái nhấn mạnh.
Nâng cao hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động
Tại kỳ họp lần này, một dự thảo Luật được đa số cử tri và Nhân dân quan tâm là Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Luật được thông qua sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện trong lộ trình tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Chưa có kỳ họp nào mà không khí chờ đợi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật lại như kỳ họp này, nhất là đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), bởi nằm trong lộ trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy của chính quyền địa phương thì đây là “chìa khóa” pháp lý quan trọng. Trong phiên họp sáng ngày 19.2, với 458/459 ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 99,78% (bằng 95,82% tổng số ĐBQH), Quốc hội Khóa XV đã chính thức thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Cử tri kỳ vọng những quy định mới sẽ góp phần tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương theo đúng mục tiêu đề ra là nâng cao hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động, cử tri Hoàng Anh Túc, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình tin tưởng.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt các luật trình ra Kỳ họp bất thường thứ Chín lần này chính là vấn đề phân cấp, phân quyền. Trong đó, việc phân quyền về cho địa phương được đa số cử tri kỳ vọng sẽ tạo chủ động và là đòn bẩy để địa phương bứt phá. “Cùng với quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, việc quy định rõ trong luật việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương sẽ tạo tính chủ động cho các địa phương. Luật cũng quy định việc thực hiện hiệu quả kiểm soát quyền lực gắn với kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên sẽ bảo đảm cho phân cấp, phân quyền đúng hướng, tránh được sự lạm quyền. Đây là những nội dung được đổi mới trên cơ sở tiếp thu kỹ ý kiến thảo luận của các ĐBQH, góp ý của cử tri và Nhân dân", cử tri Võ An Hà, huyện K’rông Năng, Đắk Lắk bày tỏ.
Cùng với quy định về phân cấp, phân quyền, việc Quốc hội sửa luật trao cho chính quyền địa phương cấp huyện khá nhiều quyền hạn mới. Đáng chú ý là quy định rõ việc HĐND cấp huyện được phép ban hành chính sách sẽ là “chìa khóa” tháo “điểm nghẽn” lâu nay các địa phương đang lúng túng trong thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng tại địa phương của cơ quan dân cử ở địa phương. Khoa học, bài bản, chặt chẽ và linh hoạt từ khâu chuẩn bị đến điều hành kỳ họp cũng là điểm nhấn của Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, khẳng định Quốc hội hành động, vì dân, sẵn sàng thể chế pháp lý đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới.
Lê Hồng Hạnh, Trưởng phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/san-sang-dua-dat-nuoc-phat-trien-post405063.html
Bình luận (0)