Ai CậpNhiều xác ướp khỉ đầu chó hơn 2.500 năm tuổi được phát hiện ở Thung lũng Khỉ, cách xa quê hương của chúng, khiến các chuyên gia bối rối.
Năm 1905, các xác ướp khỉ đầu chó được phát hiện ở Ai Cập, khiến giới khoa học đau đầu tìm lý do tại sao chúng lại cách xa quê hương như vậy. Giờ đây, sau hơn 100 năm, các chuyên gia đã kết hợp sinh học và lịch sử để giải mã bí ẩn này, IFL Science hôm 10/11 đưa tin.
Nghiên cứu mới, xuất bản trên tạp chí eLife, do chuyên gia Gisela Kopp từ Đại học Konstanz cùng các đồng nghiệp tiến hành. Nghiên cứu mới cũng mang lại thêm thông tin về những tuyến đường thương mại lịch sử và ý nghĩa văn hóa của nhóm động vật linh trưởng này ở Ai Cập cổ đại.
Các xác ướp khỉ tồn tại từ thời kỳ cuối của Ai Cập cổ đại, khoảng năm 800 – 540 trước Công nguyên. Chúng được tìm thấy tại Gabbanat el-Qurud, hay Thung lũng Khỉ, và bị mất răng nanh. Tuy nhiên, chúng không phải động vật bản địa ở Ai Cập. Khỉ đầu chó hamadryas (Papio hamadryas) đến từ vùng Sừng châu Phi và khu vực tây nam Bán đảo Arab.
Loài vật này rất thiêng liêng với người Ai Cập cổ đại. Họ đã ướp xác và dâng chúng làm lễ vật để bày tỏ lòng tôn kính với thần Thoth – vị thần học tập và trí tuệ với hiện thân là khỉ đầu chó hamadryas. Nhưng làm cách nào khỉ đầu chó đến được Ai Cập là một bí ẩn suốt hơn một thế kỷ qua.
Năm 2020, các nhà nghiên cứu truy ra nguồn gốc của chúng là ở vùng Sừng châu Phi. Giờ đây, nhóm của Kopp xác định vị trí chính xác hơn. Họ cũng lần đầu tiên phân tích thành công ADN cổ đại từ xác ướp của động vật linh trưởng không phải người.
Phương pháp phân tích gene mới của Kopp bao gồm việc nghiên cứu bộ gene ty thể của xác ướp và so sánh chúng với khỉ đầu chó đang tồn tại. Tách chiết ADN từ một mẫu vật trong bảo tàng, Kopp đã thu hẹp quê hương của chúng đến một khu vực cụ thể xung quanh Eritrea – nơi nhiều khả năng từng tồn tại cảng Adulis nổi tiếng.
Theo những ghi chép cổ xưa, Adulis là nơi buôn bán hàng hóa xa xỉ và động vật. Tuy nhiên, điều này cũng không thể giải thích tại sao khỉ đầu chó được vận chuyển từ quê hương của chúng đến Ai Cập vì các xác ướp tồn tại từ rất lâu trước khi cảng Adulis phát triển. Một cảng khác mang tên Punt, nơi Ai Cập nhập khẩu hàng hóa cho đến thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, thường được coi là nguồn gốc của khỉ đầu chó. Tuy nhiên, vị trí chính xác của cảng này vẫn là một bí ẩn.
“Các nhà Ai Cập từ lâu đã băn khoăn về Punt. Một số học giả coi đây là một địa điểm trong mạng lưới giao thương đường biển toàn cầu thời kỳ đầu, là điểm khởi đầu cho toàn cầu hóa kinh tế. Mẫu vật mà chúng tôi nghiên cứu trùng khớp về mặt thời gian với những chuyến đi cuối cùng tới Punt. Tuy nhiên, về mặt địa lý, mẫu vật phù hợp với Adulis, nơi được biết đến như một địa điểm mua bán động vật linh trưởng nhiều thế kỷ sau đó”, Kopp cho biết.
Vì vậy, Kopp cùng các đồng nghiệp cho rằng Punt và Adulis thực chất là cùng một địa điểm, chỉ có tên gọi khác nhau ở những thời điểm khác nhau. “Sau khi chúng tôi đặt những phát hiện sinh học của mình vào bối cảnh nghiên cứu lịch sử, câu chuyện mới thực sự liên kết lại”, Kopp nói.
Thu Thảo (Theo IFL Science)