Sự xuất hiện của Chat GPT đã và đang tác động sâu sắc, đa dạng đến “bữa tiệc” thông tin của công chúng truyền thông hiện đại, đặt ra cho các cơ quan báo chí truyền thông những thách thức chưa từng có.
Chat GPT là sản phẩm trí tuệ nhân tạo gần “giống người”, có khả năng trả lời các câu hỏi, cung cấp thông tin và hỗ trợ các nhu cầu khác của con người thông qua việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Làm thế nào để báo chí giữ vững vị trí trong “trận địa thông tin” khi mà công nghệ truyền thông đang “tấn công” và chi phối môi trường truyền thông hiện nay.
“Cuộc chơi” mới
Thời gian qua, những thuật ngữ như truyền thông đa phương tiện, truyền thông xã hội hay truyền thông hội tụ… được giới nghiên cứu và báo chí truyền thông đề cập nhiều. Đặc biệt, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông, một loạt xu hướng mới: đa nền tảng (multi-platform), báo chí di động (mobile journalism), báo chí xã hội (social journalism), tin tức xã hội (social news), hay hiện tượng Chat GPT vừa xuất hiện đã tạo ra “cuộc chơi” mới cho báo chí truyền thông hiện đại.
Tháng 11/2022, Chat GPT – trợ lý ảo được xây dựng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) của OpenAI. Chat GPT là sản phẩm AI gần “giống người”, có khả năng trả lời các câu hỏi, cung cấp thông tin và hỗ trợ các nhu cầu khác của con người thông qua việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Ứng dụng này làm một mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên thế hệ mới, có khả năng xử lý một lượng lớn văn bản và học cách thực hiện các tác vụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên hiệu quả.
OpenAI là công ty nghiên cứu AI do Elon Musk, Sam Altman và Greg Brockman thành lập năm 2015. Mục tiêu của công ty là nghiên cứu và phát triển AI thông minh, an toàn và hữu ích cho con người. Công ty tập trung vào các lĩnh vực như học sâu, robotica, tiếng nói và tự động hóa. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn còn một số nước cấm sử dụng Chat GPT. Chẳng hạn, bức tường lửa “Vạn lý trường thành” ở Trung Quốc chặn người truy cập do “sử dụng AI để truyền bá thông tin sai lệch”. Song, Chat GPT vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho các công ty khác phát triển sản phẩm tương tự như Google Bard hay Baidu ERNIE của Trung Quốc.
Ứng dụng trong báo chí
Việc ứng dụng Chat GPT trong hoạt động báo chí truyền thông khá đa dạng và phong phú như tự động hóa việc sản xuất nội dung, giúp tạo ra nội dung tự động một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, tăng cường tương tác với công chúng thông qua các mạng xã hội.
Bên cạnh đó, Chat GPT có thể hỗ trợ nhà báo trong việc thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, tìm kiếm thông tin liên quan đến một chủ đề cụ thể, phân tích dữ liệu từ các nguồn khác nhau và tạo ra các câu trả lời tự động cho các câu hỏi từ người dùng. Chat GPT có nhiều tính năng vượt trội, song cũng chỉ là một trong những công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, phục vụ cho hoạt động tác nghiệp, nhằm sáng tạo ra các tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Chat GPT cũng là công cụ đắc lực cho công tác biên tập, sản xuất các sản phẩm báo chí truyền thông, nhưng không thể thay thế hoàn toàn các nhà báo bằng xương, bằng thịt.
Do đó, báo chí hiện đại đã và đang tiệm tiến đến xu thế đa nền tảng và thực tại ảo hay AI. Thực tế cho thấy, nếu một tòa soạn chỉ xuất bản các sản phẩm báo chí in, truyền hình hay báo điện tử vẫn chưa đủ, mà cần phải có các phiên bản cho máy tính bảng và điện thoại di động theo thiết kế chuyển đổi linh hoạt. Một số ứng dụng của mobile “ra đời” trong vòng quay biến thiên, nhằm để tập trung khai thác các thị trường ngách, tạo ra lợi nhuận mới cho các tòa soạn, đồng thời đáp ứng yêu cầu mới của công chúng trong môi trường truyền thông cạnh tranh đầy khốc liệt hiện nay.
Như vậy có thể thấy, dưới sự tác động của công nghệ truyền thông, báo chí hiện đại đang chuyển đổi từ “ đa nền tảng” sang “sáng tạo”. Một tin, bài giờ đây không chỉ đơn giản là vài trăm đến vài ngàn từ, kèm theo bức ảnh minh họa, hoặc một đoạn âm thanh, hay clip sinh động, mà còn kết hợp tất cả những gì có thể được trình bày hiện đại, phù hợp thói quen tiếp nhận thông tin mới của công chúng.
Phát triển trong đa dạng
Từ giữa năm 2011 đến nay, xu hướng tích hợp truyền thông xã hội vào các hoạt động báo chí truyền thống ở một số nước trên thế giới đã trở thành điều bắt buộc. Song thực tế cho thấy, nếu các cơ quan báo chí quá phụ thuộc vào mạng xã hội sẽ đánh mất giá trị cốt lõi của báo chí truyền thống. Có thể khẳng định, truyền thông xã hội là lựa chọn tất yếu của báo chí hiện đại không chỉ trong lý thuyết, mà giờ đây đã trở thành điều bắt buộc trong hoạt động tác nghiệp hằng ngày của nhà báo. Mạng xã hội giữ vai trò mở rộng “không gian thông tin”, tạo uy tín cho cơ quan báo chí truyền thông chuyên nghiệp. Thông thường, các tin, bài viết của phóng viên được đăng tải trên các cơ quan báo chí chính thống, tuy nhiên, do khuôn khổ hoặc thời gian có hạn, nhà báo có thể đăng các nội dung bên lề sự kiện, hoặc những thông tin có liên quan như bối cảnh của sự kiện, quá trình phỏng vấn, cảm nhận cá nhân của tác giả lên trang mạng xã hội của tòa soạn, bổ sung, mở rộng và giúp bản tin trở nên phong phú và có chiều sâu hơn.
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các hãng truyền thông ngày càng gay gắt hiện nay, việc sử dụng Chat GPT hay truyền thông mạng xã hội có thể đáp ứng nhu cầu muốn “nhanh” của công chúng, giúp các hãng truyền thông có thể đi đầu trong “trận địa” chiếm lĩnh thông tin. Song, khi chúng ta quá lệ thuộc vào công nghệ, rất dễ bị đánh mất vai trò, vị thế và tầm quan trọng của báo chí truyền thống.
Hơn lúc nào hết, mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần có chiến lược trong phát triển nội dung và khắc cốt ghi tâm một điều sự thật là “sinh mệnh” của báo chí. Công nghệ truyền thông mặc dù đang tạo ra một cuộc chơi mới, khiến báo chí truyền thống phải thay đổi để giữ chân độc giả.
Tuy nhiên, với khả năng nghiên cứu chuyên sâu, báo chí truyền thống luôn có chỗ đứng vững chắc và quan trọng của mình trong “trận địa” thông tin mở như hiện nay, nếu duy trì được chất lượng, coi nội dung là “vua”, công nghệ là “nữ hoàng”, báo chí sẽ trở về với giá trị cốt lõi: Phục vụ công chúng, công chúng là số 1.