TS Andrew Ng, cựu lãnh đạo của Google Brain, một trong những huyền thoại sống về trí tuệ nhân tạo (AI) của thế giới, vừa đến Việt Nam và ký hợp tác chiến lược với FPT trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Trong buổi lễ ký kết, anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, đã nói rằng tập đoàn “đặt cược vào Andrew Ng”.
Tại sao như vậy? Chúng tôi có mơ mộng quá không khi đặt tham vọng nâng doanh số phần mềm cho nước ngoài từ con số 1 tỷ USD hiện tại lên 5 tỷ USD vào năm 2028? Đã có một số người bày tỏ với chúng tôi về mối băn khoăn, lo ngại xung quanh nguồn lực, bao gồm nhân lực và tài chính.
Theo đó, nhân sự bán dẫn Việt Nam vốn chưa đáp ứng được 20% nhu cầu và giá trị đóng góp trong chuỗi cung ứng của Việt Nam phải thừa nhận là còn thấp. Trong khi Đài Loan bắt đầu chính sách thu hút từ khoảng thập niên 1970 đến nay mới đạt được thành công vang dội về sản xuất bán dẫn, vậy thì con số 35 năm của FPT liệu có khả thi?
Khách tham dự trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tại sự kiện FPT Techday 2023 (Ảnh: BTC).
Đúng là Việt Nam đang thiếu nguồn lực nhân sự làm bán dẫn. Các công ty nước ngoài mở nhà máy sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam như Intel, Samsung, Amkor, Hana Micron đều kêu thiếu, và tất nhiên các công ty Việt Nam muốn đi vào lĩnh vực chip bán dẫn cũng thiếu nhân lực.
Lời giải cho bài toán nguồn nhân lực chip bán dẫn cho Việt Nam rất đơn giản, không có gì mới, giống như cách đây 20 năm chúng tôi đã thành lập Đại học FPT với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực làm phần mềm. Cách đây 2 tháng, Đại học FPT đã chính thức thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn, giáo viên và nơi thực hành cho sinh viên chính là công ty FPT Semiconductor. Chưa hết, chúng tôi còn mời các công ty chip bán dẫn nổi tiếng nhất thế giới tham gia và hỗ trợ công tác đào tạo. FPT đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ là chúng tôi chịu trách nhiệm đào tạo 15.000 kỹ sư bán dẫn cho Việt Nam.
Còn giá trị đóng góp của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn còn thấp ư? Đấy là nói về các nhà máy sản xuất chip bán dẫn của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam thôi, còn nếu chúng ta tự làm chip, từ khâu thiết kế con chip của riêng mình, tự kinh doanh, bán con chip của riêng mình ra toàn cầu như FPT Semiconductor đã làm thì giá trị gia tăng không thấp đâu, cao đấy!
Như vậy vấn đề lớn nhất của Việt Nam là phải có “chip make in Vietnam”, thương mại được với số lượng lớn, khi ấy tất nhiên giá trị gia tăng sẽ cao. Chúng ta phải hành động bằng chính nội lực của mình, đừng ngồi kêu gào các hãng nước ngoài phải chuyển giao công nghệ, phải nội địa hóa như lâu nay.
Đài Loan đã bắt đầu đi vào lĩnh vực chip bán dẫn từ những năm 1970, đúng vậy! Thế nhưng thời thế bây giờ đã khác. Nếu như những năm 1970, 1980, 1990, chip chủ yếu dùng trong máy tính, tivi, robot, thiết bị viễn thông, máy bay và thiết bị quân sự, thì hiện tại chip đã đi vào mọi thiết bị xung quanh chúng ta, từ chiếc ô tô, xe máy, thang máy, thiết bị y tế, tivi, tủ lạnh, bếp nấu ăn, lò nướng, lò vi sóng, máy giặt, máy hút bụi lau nhà, máy dọn bể bơi, khóa cửa, không những thế chip còn có trong cả cánh cổng nhà, máy bơm nước, hệ thống tưới sân vườn, hệ thống bảo dưỡng bể bơi, máy đo huyết áp, tiểu đường cá nhân…
Nghĩa là, nhu cầu chip đang tăng với tốc độ rất nhanh. Chính vì vậy mà cơ hội mở ra cho tất cả, kể cả những người mới gia nhập lĩnh vực chip bán dẫn và tất nhiên chúng ta không phải đi lại quãng đường như Đài Loan đã đi cách đây 50 năm.
Vậy doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì? Tất nhiên việc đầu tiên là đào tạo nguồn nhân lực, tiếp theo là thiết kế, làm phần mềm và thương mại chip, đừng ảo vọng đi ngay vào sản xuất chip. Nên nhớ rằng, sản xuất chip chỉ là công đoạn cuối cùng, không phải công đoạn có giá trị gia tăng cao nhất. Hãy nhìn Apple, hãng điện thoại lớn nhất thế giới cả về doanh thu, lợi nhuận lẫn vốn hóa mà họ không sở hữu bất cứ nhà máy sản xuất nào, họ thuê sản xuất gia công tất cả! Apple chỉ làm thiết kế, phần mềm, thương hiệu, marketing, bán hàng và dịch vụ hậu mãi mà thôi.
Còn về vốn đầu tư cho AI và chip, đúng là các hãng lớn như Microsoft, Google hay Amazon đang chi mỗi năm cả tỷ USD cho AI và chắc chắn họ còn chi nhiều hơn nữa cho AI. Vậy chúng ta có đủ tiềm lực tài chính để đi đường dài về AI hay không?
Tôi rất nhớ câu nói rất hay và thú vị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể về cách đánh của Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ: “Nếu năm 1954, chúng tôi đánh Điện Biên Phủ theo tư vấn của các chuyên gia nước ngoài thì chỉ 2 ngày là chúng tôi hết đạn, vì thế chúng tôi phải đánh theo cách của chúng tôi, và chính vì đánh theo cách của chúng tôi nên chúng tôi đã thắng”.
Chúng ta cũng vậy, vẫn hợp tác quốc tế, vẫn học hỏi các tập đoàn lớn, nhưng phải làm theo cách của mình. Hơn nữa, chúng ta đâu có cạnh tranh với Microsoft, Google, Apple, Amazon, Nvidia. Chúng ta đi con đường riêng, có lĩnh vực riêng, thế giới đủ rộng để cho tất cả cùng tồn tại và phát triển.
Cách đây một tuần, nền tảng AI của FPT (FPT.AI) đã được tổ chức quốc tế Software Reviews vinh danh là nền tảng AI xuất sắc nhất thế giới năm 2023, rồi FPT Chatbot đã được nhiều khách hàng Nhật Bản, Châu Âu, Việt Nam sử dụng và đánh giá cao về những lợi ích to lớn trong xử lý tự động các yêu cầu của khách hàng, rồi đơn đặt hàng 70 triệu con chip IOT của FPT chỉ trong vòng một năm chúng tôi đặt chân vào lĩnh vực chip là những minh chứng thuyết phục nhất.
Chúng tôi mơ mộng nhưng cũng rất thực tế, thông qua những hành động và hành động quyết liệt để biến ước mơ, khát vọng trở thành hiện thực. Nếu như chặng đường 35 năm thứ nhất, chúng tôi đặt trọng tâm vào tăng trưởng cao (đạt quy mô doanh số trên 4 tỷ USD, 65.000 nhân viên, gần 5 tỷ USD vốn hóa) thì trong chặng đường tiếp theo, trọng tâm sẽ là những sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp thế giới, nhất là trí tuệ nhân tạo và chip.
Giờ phút này, chúng tôi đang mơ mộng đến một ngày nào đó, gần thôi, không xa lắm, Việt Nam sẽ có nguồn thu 1 tỷ USD từ xuất khẩu AI và chip ra nước ngoài.
Tác giả: Ông Đỗ Cao Bảo là cử nhân Toán điều khiển, Học viện kỹ thuật quân sự; từng làm việc tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và Viện Khoa học Việt Nam. Ông Bảo là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, hiện là Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT.
Dantri.com.vn