Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,09 USD, tương đương 1,3%, lên mức 82,65 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ cũng tăng 1,09 USD, tương đương 1,4%, lên mức 78,26 USD/thùng.
Theo Reuters, trong báo cáo hàng tháng của mình, OPEC cho biết các yếu tố cơ bản của thị trường dầu mỏ vẫn mạnh mẽ và cho rằng giá dầu giảm là do lỗi của các nhà đầu cơ.
OPEC đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2023 lên 2,46 triệu thùng/ngày, tăng 20.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. OPEC nhận thấy nhu cầu năm 2024 tăng 2,25 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với dự báo của tháng trước.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, nhận xét báo cáo thị trường dầu hằng tháng của OPEC dường như đẩy lùi những lo ngại về nhu cầu.
Bên cạnh đó, báo cáo còn đề cập đến tâm lý tiêu cực bị thổi phồng quá mức xung quanh nhu cầu của Trung Quốc, trong khi nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu trong năm nay và giữ nguyên dự báo này trong năm tới.
Giá dầu hôm nay cũng được nâng lên do báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ về việc hạn chế xuất khẩu dầu của Nga.
Về phía quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới – Trung Quốc, dữ liệu kinh tế yếu kém vào tuần trước làm dấy lên lo ngại về nhu cầu chững lại. Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc yêu cầu nguồn cung cho tháng 12 thấp hơn từ Saudi Arabia, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Trong nước, chiều qua giá bán lẻ xăng dầu đã được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính – Công Thương. Sau khi điều chỉnh, giá xăng giảm cao nhất là 399 đồng/lít, giá dầu giảm trong khoảng 617 – 1.052 đồng/lít (kg).
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ quyết định không trích lập và không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 14.11 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.274 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.530 đồng/lít; dầu diesel không quá 20.888 đồng/lít; dầu hỏa không quá 21.512 đồng/lít; dầu mazut không quá 15.623 đồng/kg.