Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2022 có 20 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong. Các loại ung thư phổ biến nhất là ung thư phổi, vú, và đại trực tràng.
Tin mới y tế ngày 9/11: Gánh nặng bệnh ung thư tại Việt Nam; ca bệnh sốt xuất huyết ở TP.HCM vẫn tăng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2022 có 20 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong. Các loại ung thư phổ biến nhất là ung thư phổi, vú, và đại trực tràng.
Ba loại ung thư phổ biến ở Việt Nam
Theo thống kê của GLOBOCAN 2022, Việt Nam ghi nhận 180.480 ca mắc mới và 120.184 ca tử vong do ung thư. Tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là đối với các loại ung thư phổ biến như ung thư gan, phổi, dạ dày ở nam giới và ung thư vú, phổi, gan ở nữ giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2022 có 20 triệu ca ung thư mới và 9.7 triệu ca tử vong. Các loại ung thư phổ biến nhất là ung thư phổi, vú, và đại trực tràng. |
Đặc biệt, một tỷ lệ đáng kể người bệnh chỉ được phát hiện khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, làm giảm hiệu quả điều trị và tăng chi phí điều trị. Trong năm 2021, chi tiêu y tế tại Việt Nam là 173 USD/người, trong đó một tỷ lệ đáng kể dành cho điều trị ung thư.
Sự gia tăng ung thư ở nhiều khu vực được cho là do các yếu tố như hút thuốc, lối sống ít vận động, và chế độ ăn uống không lành mạnh.
Tương tự với thế giới, gánh nặng ung thư tại Việt Nam ngày càng tăng với số lượng ca mắc và tử vong đang ở mức báo động. Đây là một gánh nặng lớn đối với cả gia đình bệnh nhân và hệ thống y tế quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cho biết trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chương trình và chính sách nhằm phòng chống và kiểm soát ung thư, phù hợp với xu hướng và hướng dẫn quốc tế, có thể kể tới như Việt Nam thực hiện chiến lược tầm soát và phát hiện sớm ung thư, ưu tiên sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung và đại trực tràng trong dân số có nguy cơ cao;
Bộ Y tế triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin HPV cho học sinh nữ nhằm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung và tiêm chủng viêm gan B cho trẻ sơ sinh, phòng chống ung thư gan;
Đồng thời tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về việc thay đổi lối sống lành mạnh và tầm soát định kỳ.
Số ca bệnh sốt xuất huyết ở TP.HCM tăng liên tục
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong 4 tuần gần đây gồm 41,42,43,44 (7/10-3/11) số ca mắc sốt xuất huyết tăng từ 516 ca lên 661 ca, tăng 21% so với trung bình 4 tuần trước.
Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm nay là 10.641 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, TP Thủ Đức và quận 7.
HCDC cho biết dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng liên tục trong 4 tuần gần đây, số ca nhập viện trong tuần qua là 414 ca, tăng 89 ca so với tuần trước. Trong đó, có 113 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm tỷ lệ 27,3%), trung bình số ca nặng điều trị là 12 ca/ngày.
Trong tuần 44, TP.HCM cũng ghi nhận 450 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 8,8% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến nay là 14.729 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và quận 8.
Bên cạnh đó, thành phố ghi nhận 141 ca sởi trong tuần 44, tăng 18,0% so với trung bình 4 tuần trước (119,5 ca). Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm đến nay là 1.448 ca. Các quận huyện có số ca mắc cao bao gồm huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP.Thủ Đức.
Phát hiện thiếu máu cơ tim khi mổ cột sống
Nam bệnh nhân 67 tuổi, chuẩn bị phẫu thuật cột sống thì phát hiện hẹp nặng ba mạch máu tim dù không có biểu hiện đau ngực, khó thở.
Bệnh nhân không có triệu chứng bệnh tim, sức khỏe tốt, chỉ mắc bệnh lý cơ xương khớp. Trước phẫu thuật cột sống, ông được kiểm tra sức khỏe tim mạch, đo điện tâm đồ ghi nhận dấu sẹo nhồi máu cơ tim cũ. Đây là tình trạng nhồi máu cơ tim xảy ra thoáng qua, không có dấu hiệu đặc trưng, bản thân người bệnh cũng không biết.
Bác sỹ chỉ định chụp mạch vành, phát hiện động mạch liên thất trước tắc hoàn toàn, động mạch mũ hẹp 80%, mạch vành phải hẹp 90%, chẩn đoán bệnh ba nhánh mạch vành.
Toàn bộ cơ tim được nuôi bởi một phần nhỏ mạch máu lách qua khe hẹp của hai nhánh mạch máu tim, tim thiếu máu nuôi trầm trọng.
Xác định bệnh ba nhánh mạch vành của bệnh nhân rất nguy cấp, có thể gây nhồi máu cơ tim, ngưng tim, đột tử, bác sỹ quyết định xử lý tình trạng này trước, sau khi ổn định mới phẫu thuật cột sống cho ông Hùng.
Thiếu máu cơ tim (còn gọi là thiếu máu cục bộ cơ tim) là bệnh lý xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm, cơ tim không nhận đủ lượng oxy cần thiết cho hoạt động co bóp tuần hoàn máu.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, thiếu máu cơ tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh lý tim mạch.
Theo ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, các triệu chứng của thiếu máu cơ tim ban đầu thường chưa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh. Như trường hợp ông Hùng không hề biểu hiện triệu chứng, chỉ tình cờ phát hiện khi đi chữa bệnh xương khớp.
Theo thời gian bệnh tiến triển nặng, tim không được cung cấp đủ lượng oxy và dinh dưỡng cần thiết trong thời gian dài có thể dẫn đến suy giảm chức năng. Lúc này, người bệnh đối mặt với nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim…
Thăm khám sức khỏe tim mạch định kỳ là biện pháp giúp phòng ngừa thiếu máu cơ tim nói riêng và các bệnh lý tim mạch nói chung.
Qua đây các bác sỹ khuyến cáo nếu người bệnh xuất hiện những dấu hiệu như cơn đau thắt vùng ngực, khó thở, mệt mỏi kéo dài…, cần đi khám sớm để can thiệp kịp thời, phòng ngừa biến chứng.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-911-ganh-nang-benh-ung-thu-tai-viet-nam-ca-benh-sot-xuat-huyet-o-tphcm-van-tang-d229587.html