Theo Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, trong số 48 cuộc thi diễn ra năm 2023, có 5 cuộc thi cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức là: Hội khỏe Phù Đổng (4 năm/lần); Hội thao giáo dục quốc phòng an ninh (2 năm/lần); Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (1 năm/lần); cuộc thi học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa lớp 12 (1 lần/năm học); cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học (1 lần/năm học).
Có 7 cuộc thi cấp tỉnh do sở GD-ĐT tổ chức trong năm 2023. Ngoài ra, 36 cuộc thi còn lại do các bộ, sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể của T.Ư và địa phương phát động, triển khai đến học sinh phổ thông của tỉnh Vĩnh Phúc, chiếm tỷ lệ 75% tổng số cuộc thi được tổ chức. Đó là chưa kể nhiều cuộc thi trên mạng dành cho học sinh tham gia với tinh thần tự nguyện.
Cắt giảm cuộc thi để học sinh có thời gian vui chơi
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã ra Văn bản số 10943 nêu rõ: “Xét nội dung văn bản ngày 22.12.2023 của sở GD-ĐT về việc tổ chức các cuộc thi đối với học sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh đồng ý với đề nghị của sở GD-ĐT để học sinh có thời gian được vui chơi, tham gia các hoạt động giải trí, thể thao lành mạnh, giảm căng thẳng sau những giờ học, tăng cường sự giao tiếp, gắn kết với bạn bè, gia đình, giảm áp lực trong vấn đề thi cử.
Ngoài các cuộc thi theo chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT, của HĐND, UBND tỉnh quy định, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố rà soát, giảm tối đa các cuộc thi đối với học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh; chỉ tổ chức các cuộc thi theo đúng quy định”.
Như vậy, không chỉ sở GD-ĐT phải cắt giảm tối đa các cuộc thi/hội thi/kỳ thi đặc thù dành cho học sinh/giáo viên trên địa bàn tỉnh mà các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố cũng được yêu cầu rà soát, giảm tối đa các cuộc thi đối với học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho biết đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, trong đó yêu cầu: với các cuộc thi do các tổ chức, hội, hiệp hội… tổ chức, không có sự phối hợp chỉ đạo của Bộ GD-ĐT (cuộc thi giải toán và vật lý trên mạng, cuộc thi tiếng Anh trên mạng, cuộc thi do các trung tâm chủ trì…), yêu cầu các phòng GD-ĐT, trường THPT và các cơ sở giáo dục căn cứ tính thiết thực và hiệu quả của cuộc thi để thông báo cho học sinh có thể tham gia trên tinh thần tự nguyện và theo nhu cầu thực tế của học sinh.
Sở này cũng nêu rõ: “Không tổ chức đội tuyển, không tạo áp lực cho học sinh, đồng thời theo dõi, giám sát trong quá trình diễn ra cuộc thi; không thu kinh phí khi học sinh tham gia cuộc thi dưới mọi hình thức; không xét giải cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp toàn quốc; học sinh đạt giải các cuộc thi trên không thuộc đối tượng được thưởng theo quy định của Nghị quyết số 53/2017 của HĐND tỉnh; không lấy thành tích cuộc thi để đánh giá thi đua đối với giáo viên và đơn vị tham gia; không lấy kết quả thi của học sinh để xét tuyển sinh đầu cấp”.
Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cũng cho biết, xu hướng tinh giản các cuộc thi đã diễn ra trong ngành GD-ĐT từ nhiều năm trở lại đây. Đơn cử, năm học 2018 – 2019, sở GD-ĐT đã cắt giảm cuộc thi học sinh giỏi khoa học tự nhiên – khoa học xã hội lớp 8.
Tiếp đó, ngày 23.11.2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2553 phê duyệt danh mục 2 kỳ thi được ngành giáo dục tổ chức trên địa bàn tỉnh; trong đó nhiều cuộc thi mà sở GD-ĐT đã triển khai, hiện không còn căn cứ tổ chức.
Cụ thể như: cuộc thi hùng biện/tranh biện tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông; giao lưu kỹ năng sống cho học sinh phổ thông; tìm hiểu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, giảng dạy và học tập…
Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc) cho biết: “Với Văn bản số 10943 gửi tới các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các địa phương trong tỉnh, các cuộc thi dành cho học sinh phổ thông thêm một lần nữa sẽ được rà soát, cân nhắc và cắt giảm tối đa”.