Khoảng 20.000 người, chủ yếu là học sinh từ các tỉnh, thành phía Bắc đổ về Hà Nội để nghe hướng dẫn thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học năm nay.
Chương trình tư vấn tuyển sinh do Báo Tuổi Trẻ tổ chức cả ngày 17/3 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ 7h sáng, khu vực đường Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng, trở nên đông đúc.
Dậy từ 4h30, Trần Thanh Mai, trường THPT Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, cùng các bạn có mặt lúc 8h. Mai cho biết trường tổ chức cho học sinh khối 12 có nhu cầu, đưa đón bằng 7-8 ôtô 29 chỗ, có hướng dẫn viên.
“Đây là lần đầu em dự một sự kiện đông như này”, Mai kể, nói choáng ngợp khi phải len qua dòng người ở cổng vào.
Nữ sinh quan tâm tới các ngành ngôn ngữ, nên ghé gian hàng của các trường Đại học Hà Nội, Ngoại ngữ, Khoa học Xã hội và Nhân văn. Mai cho biết sẽ dùng kết quả học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Tạ Tuấn Minh, lớp 12 chuyên Tin, trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, thì cùng một nhóm bạn tự về Hà Nội. Minh nói đặt mục tiêu đỗ ngành IT1 của Đại học Bách khoa Hà Nội nên đến tìm hiểu chủ yếu về ngành này.
Nam sinh nhận xét không khí chương trình sôi nổi, nhiều hoạt động. “Em rất hào hứng, vừa được nghe tư vấn, chơi trò chơi, lại có quà của các trường”, Minh nói.
Theo thống kê của ban tổ chức, ngày hội năm nay có gần 280 gian hàng tới từ hơn 100 trường đại học, học viện, trung tâm và tổ chức giáo dục – đông nhất từ trước đến nay. Uớc tính khoảng 20.000 người tham dự sự kiện, chủ yếu là học sinh.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trà, giảng viên Viện Báo chí – Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhìn nhận ngày hội tư vấn tuyển sinh là cơ hội để các trường trực tiếp gặp gỡ, giải đáp thắc mắc của học sinh và phụ huynh. Cô Trà cho biết nhiều học sinh không ngại thể hiện đam mê nên đây cũng là dịp để thầy cô khích lệ, truyền động lực cho các em.
“Tôi rất vui và phấn khởi vì sự kiện diễn ra suôn sẻ. Số lượng học sinh, phụ huynh tham gia có vẻ đông hơn năm ngoái”, cô Trà nói.
Tại các gian tư vấn, thí sinh thường tìm hiểu thông tin về chương trình, phương thức xét tuyển, cơ hội việc làm của ngành nghề, chính sách học bổng. Còn ở khu vực trung tâm với các chuyên gia, các vấn đề học sinh và phụ huynh quan tâm xoay quanh quy chế thi tốt nghiệp THPT; quy trình xét tuyển; các kỳ thi riêng; một số ngành hot như bán dẫn…
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhận được nhiều thắc mắc liên quan tới việc đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển của Bộ. Nhiều phụ huynh lo ngại sơ suất có thể khiến con em trượt đại học.
Bà Thủy khẳng định hệ thống của Bộ được thiết kế để đưa ra kết quả có lợi nhất cho thí sinh. Ở mỗi nguyện vọng, sau khi thí sinh nhập ngành và trường, hệ thống sẽ tự động rà soát các dữ liệu mà thí sinh có, gồm phương thức, tổ hợp, điểm thi… Nếu thí sinh đủ điều kiện tại một phương thức bất kỳ, hệ thống sẽ trả kết quả trúng tuyển.
“Với nguyên tắc như vậy, quy chế tuyển sinh của Bộ sẽ giữ ổn định trong năm 2024, thậm chí các năm tiếp theo”, bà Thủy nói.
Song, bà lưu ý với những phương thức xét tuyển sớm, thí sinh cần thực hiện theo kế hoạch riêng của từng trường. Dữ liệu xét tuyển sớm sẽ do các trường gửi lên hệ thống của Bộ. Ngoài ra, các em cần lưu tâm thứ tự nguyện vọng, bởi hệ thống sẽ xét lần lượt, thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng trên sẽ không xét tiếp các nguyện vọng sau đó.
“Các năm trước, có thí sinh đỗ nguyện vọng 2 nhưng muốn học nguyện vọng 5 và xin đổi. Điều này không được”, bà Thủy nói, nhấn mạnh thí sinh hãy ưu tiên ngành mình thích nhất lên nguyện vọng cao, tránh trường hợp đỗ ngành không thích.
Thí sinh sẽ được làm quen với quy trình đăng ký xét tuyển đại học trước khi điền chính thức. Đợt tập dượt dự kiến diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Các em cứ yên tâm, làm sao hoàn thành tốt nhất kỳ thi tốt nghiệp, rồi mới tới quy trình xét tuyển”, bà Thủy nói.
Liên quan tới kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng, nhắc thí sinh chú ý các điều chỉnh về vật dụng được và không được đem vào phòng thi.
Các năm trước, Bộ không cấm thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình chỉ có thể ghi thông tin, không thể truyền và nhận, vào phòng thi. Nhưng năm nay, mọi thiết bị truyền tin đều bị cấm.
“Thầy cô, phụ huynh cần nhắc nhở thí sinh rõ điều này. Bản thân các em cũng cần có ý thức chấp hành quy chế”, ông Phong nói, cho biết năm ngoái có 41 thí sinh bị đình chỉ thi vì không tuân thủ điều này.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 dự kiến diễn ra vào ngày 21-22/6 hoặc sau đó một tuần. Bộ chưa quyết định chính thức, song Vụ Giáo dục đại học đang xây dựng kế hoạch dựa trên phương án thi ngày 21-22/6.
Lịch tuyển sinh đại học năm 2024 bắt đầu từ ngày 10/7. Thí sinh có thể đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đến 25/7, không giới hạn số lần và số lượng nguyện vọng. Từ ngày 28/7 đến 3/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.
Ngày 20/7, Bộ sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với khối ngành sức khỏe và sư phạm, rồi xử lý nguyện vọng xét tuyển của thí sinh từ ngày 5 đến 10/8. Trước 17h ngày 12/8, các trường phải công bố điểm chuẩn, thông báo cho thí sinh trúng tuyển đợt 1. Đến 17h ngày 18/8, thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến.
Thanh Hằng