Họa sĩ Françoise Gilot – người tình cũ kém Picasso 40 tuổi – từng bị danh họa ngăn cản sự nghiệp ở Pháp, phải đến Mỹ tiếp tục vẽ tranh.
Theo Beauxarts, triển lãm Françoise Gilot mở cửa ngày 12/3, dự kiến kéo dài một năm tại bảo tàng Picasso (Pháp). Chủ đề tập trung vào sự nghiệp hội họa và mối quan hệ thân thiết giữa Gilot với nhóm nghệ sĩ theo trường phái trừu tượng đương đại Pháp, đồng thời giới thiệu sách của bà.
Guardian cho biết các phòng triển lãm Pháp từng né tránh giới thiệu tác phẩm của Françoise Gilot do hệ quả cuộc chia tay Picasso năm 1953 và việc bà xuất bản hồi ký Life with Picasso (1964) – hé lộ góc khuất chuyện tình 10 năm. Ông buộc các cơ sở nghệ thuật dừng trưng bày tranh của Gilot sau khi bị bà “bỏ rơi”. Ban tổ chức bảo tàng muốn khắc phục sai lầm của giới hội họa năm xưa, công nhận tư cách họa sĩ của Françoise Gilot tại quê nhà.
Joanne Snrech, giám tuyển bảo tàng, cho biết mục tiêu triển lãm là giúp bà xóa bỏ danh xưng “người tình của Picasso”, vì thế không trưng bày tác phẩm của Picasso về Gilot, bao gồm tranh và hình chụp. “Suy cho cùng, bà ấy chỉ sống cùng danh họa 10 năm trong hơn 100 năm tuổi đời”, Snerch nói.
Françoise Gilot (1921-2023) xuất thân từ gia đình người Pháp khá giả, bố là doanh nhân, mẹ là họa sĩ màu nước. Gilot được bố định hướng theo ngành luật nhưng sớm từ bỏ vì đam mê hội họa. Bà gặp Picasso lần đầu tiên vào năm 21 tuổi khi ông đã là danh họa ở tuổi 61. Gilot sinh cho họa sĩ một trai một gái trong 10 năm bên nhau.
Năm 1953, Françoise Gilot quyết tâm chia tay họa sĩ do không thể chịu đựng được tính cách của người tình. Bà đưa hai con Claude và Pamela rời đi. The Washington Post miêu tả mối quan hệ của hai người là cuộc tình sóng gió, nói Gilot là bóng hồng duy nhất “dám bỏ rơi” Picasso trong số phụ nữ từng yêu ông.
Cuộc chiến giữa Françoise Gilot và Picasso cao trào hơn khi bà xuất bản hồi ký Life with Picasso năm 1964, theo Guardian. Trong sách, bà nói Picasso cho rằng nói không ai thích tác phẩm của bà, người ta chỉ tò mò chuyện tình với họa sĩ nổi tiếng. Ông tiêu hủy tất cả những gì thuộc về tình cũ, bao gồm tranh, sách và những bức thư Matisse (họa sĩ yêu thích của Gilot, cũng là bạn tâm giao của Picasso) gửi cho bà. Danh họa móc nối giới tinh hoa, yêu cầu phòng triển lãm Louise Leiris dừng trưng bày tranh của Gilot, không cho bà dự hội nghệ thuật Salon de Mai.
Picasso ba lần kiện Gilot hòng ngăn bà phát hành cuốn hồi ký. Dưới sức ảnh hưởng của danh họa, 80 trí thức và nghệ sĩ Pháp bấy giờ cùng gửi yêu cầu cấm sách này trên tờ Les Lettres Françaises. Dù vậy, Life with Picasso vẫn bán được một triệu bản và dịch sang 16 thứ tiếng, là tác phẩm bán chạy nhất của nữ họa sĩ.
Didier Ottinger, giám đốc trung tâm nghệ thuật Pompidou Centre, nói với Guardian rằng Françoise Gilot từng so sánh làn sóng tẩy chay tại quê nhà như bị tước quyền công dân. Hãng báo cho biết Gilot mất nhiều mối quan hệ và vụ làm ăn sau đó, bao gồm hợp đồng thiết kế bối cảnh cho nhà hát Champs Elysées.
Năm 1970, Françoise Gilot đến Mỹ để tiếp tục sự nghiệp nghệ thuật và gặt hái nhiều thành công. Bà theo trường phái lập thể và dã thú, sử dụng màu sắc tự do, kết hợp nhiều mảng hình. Hiện các tác phẩm của Gilot được bán từ hàng trăm nghìn đến triệu USD, xuất hiện trong nhiều phiên đấu giá, triển lãm lớn tại Bảo tàng nghệ thuật hiện đại, viện bảo tàng mỹ thuật Metropolitan (New York).
>>> Một số tác phẩm của Françoise Gilot
Sau khi chia tay Picasso, bà tái hôn với họa sĩ Luc Simon từ 1955 đến 1965, có một con gái. Gilot cưới Jonas Salk – người phát minh vaccine bại liệt năm 1955, sống cùng nhau đến khi ông mất năm 1995. Françoise Gilot qua đời vào tháng 6/2023 do bệnh tim và phổi, thọ 101 tuổi.
Pablo Picasso (1881-1973) là nhà họa sĩ, điêu khắc người Tây Ban Nha. Ông thuộc số những nghệ sĩ nổi danh nhất thế kỷ 20. Picasso gây tiếng vang với các bức họa như Những cô nàng ở Avignon, Chân dung dì Pepa. Một số sáng tác của ông nằm trong danh sách tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất thế giới. Ngoài ra, tình trường của Picasso cũng gây chú ý khi phần lớn phụ nữ gắn bó với ông đều gặp bất hạnh.
Phương Thảo (theo Guardian, Artnet)