Le capital de crédit politique contribue à la construction de nouvelles zones rurales

Việt NamViệt Nam06/02/2025


(QBĐT) - Nhằm hỗ trợ các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã triển khai giải ngân, cho vay nhiều chương trình tín dụng. Các chương trình này đã hỗ trợ nhiều địa phương sớm hoàn thành tiêu chí về giảm nghèo, thu nhập, nước sạch và môi trường..., qua đó, sớm hoàn thành các tiêu chí để về đích NTM.

 

Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Minh Hóa Nguyễn Tất Thành cho biết: Minh Hóa là huyện miền núi khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều. Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai đến hầu hết các xã trên địa bàn huyện. Các chương trình vay phù hợp đã giúp người dân, đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, nâng cao thu nhập; nhờ đó đã góp phần không nhỏ trong thực hiện chương trình giảm nghèo và xây dựng NTM ở các địa phương.

 

Là một trong những hộ dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để phát triển kinh tế, chị Cao Thị Hường, xã Trung Hóa (Minh Hóa) vui mừng khi nguồn vốn đã giúp chị từ hộ nghèo có thu nhập bấp bênh trở thành hộ có kinh tế khá giả ở địa phương.

Nguồn vốn tín dụng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.
Nguồn vốn tín dụng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Chị Hường chia sẻ: Cách đây 5-6 năm, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị không có nguồn vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi. Thời điểm đó, để có tiền trang trải cho sinh hoạt hàng ngày, chị chỉ chăn nuôi 2-3 con lợn lấy thịt. Năm 2019, được địa phương hỗ trợ cho vay vốn từ NHCSXH, chị đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại, mở rộng mô hình chăn nuôi. Nhờ đó, chị đã nhanh chóng trả được khoản vay hộ nghèo từ NHCSXH để chuyển sang gói vay hộ mới thoát nghèo với số tiền 92 triệu đồng dùng đầu tư chăn nuôi quy mô lớn.

 

Đến nay, các chương trình vay đã giúp gia đình chị thoát nghèo và trở thành hộ chăn nuôi có quy mô lớn với số đàn lợn nuôi thường xuyên gần 100 con. Mô hình chăn nuôi này đã giúp gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng/năm.

 

Ngoài các chương trình vay để phát triển kinh tế, chị Hường còn được tiếp cận gói vay nước sạch và vệ sinh môi trường để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong chăn nuôi và hệ thống nước sạch cho chăn nuôi, sinh hoạt gia đình; qua đó tăng hiệu quả chăn nuôi và bảo đảm vệ sinh môi trường xung quanh.

 

Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ giúp người dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập. Các chương trình tín dụng được triển khai đã hỗ trợ nhiều địa phương thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM. Với sự hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng, các địa phương đã nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí để về đích NTM.

 

Giám đốc NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết: Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai đến các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã phát huy được vai trò, hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là trong xây dựng NTM. Các chương trình vay không chỉ giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo, nâng cao thu nhập mà còn hỗ trợ các địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí về nước sạch và vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm... Kết quả cho vay các chương trình tín dụng góp phần thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 

Dư nợ các chương trình tín dụng góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt 4.708 tỷ đồng, chiếm 82,8% tổng dư nợ; trong đó tập trung các chương trình có dư nợ lớn, như: Cho vay hộ nghèo 427 tỷ đồng, hộ cận nghèo 560 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 773 tỷ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 1.195 tỷ đồng…

Theo đó, dư nợ các chương trình tín dụng góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt 1.937 tỷ đồng. Dư nợ các chương trình tín dụng góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 404 tỷ đồng.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Tỷ lệ số hộ dùng nước sạch đạt chuẩn quốc gia, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, giáo dục đào tạo, độ che phủ rừng hàng năm… Nhờ các chương trình tín dụng chính sách xã hội được triển khai, năm 2024 số hộ nghèo, cận nghèo đa chiều trên địa bàn toàn tỉnh giảm còn 17.159 hộ (chiếm 6,59%); trong đó, hộ nghèo 8.384 hộ (chiếm 3,22%), hộ cận nghèo 8.775 hộ (chiếm 3,37%).

 

Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách đóng vai trò quan trọng khi đã phát huy hiệu quả trong việc phát triển kinh tế vùng nông thôn, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân và từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM.

Đ.N



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202502/von-tin-dung-chinh-sach-gop-suc-xay-dung-nong-thon-moi-2224193/

Comment (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available