Nghệ sĩ Hoàng Thị Thúy Vân sinh năm 1951 tại Thọ Xuân, Thanh Hóa, tham gia hoạt động nghệ thuật ở Đoàn Ca kịch bài chòi Liên khu V từ năm 1964, khi mới 13 tuổi.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt ở miền Bắc, nghệ sĩ Thúy Vân luôn hăng hái đi đầu và thường xuyên có mặt trong đội văn nghệ xung kích phục vụ đồng bào, chiến sĩ nơi tuyến đầu, tuyến lửa. Tháng 1 năm 1975 nghệ sĩ được điều động đi B phục vụ chiến trường miền Nam tại các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng… Đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nghệ sĩ Thúy Vân đã cùng chồng tình nguyện ở lại Thuận Hải, tiếp tục hoạt động và cống hiến tài năng nghệ thuật trong biên chế Đoàn Ca kịch bài chòi của tỉnh.
Hơn 30 năm (từ 1964 - 1994) hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ Thúy Vân luôn là diễn viên nòng cốt, được giao đảm nhận hầu hết các vai quan trọng trong chương trình kịch mục chính của đoàn. Có thể kể một số vai tiêu biểu như: Thoại Khanh trong vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn”, H’Liêu trong vở “Tiếng sấm Tây Nguyên”. Đây là hai tiết mục chủ lực của đoàn ở giai đoạn đầu tiên với tần suất biểu diễn phục vụ khá cao. Bên cạnh đó là các vai Bảy Quế trong vở “Quê hương dậy sóng”, em Hạnh trong vở “Đội kịch chim Chèo bẻo”, công chúa Ngọc Hân trong vở “Nguyễn Huệ”, Nguyệt Nga trong vở “Lục Vân Tiên”, Thúy Thúy trong vở “Đôi mắt biên cương”, Đào trong vở “Bông trắng”, Nhi trong vở “Bác Ái”, bà Hòa Phát trong vở “Vách đá nóng bỏng”, mụ Hến trong vở “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”... Trong bất kỳ vai diễn nào được phân công, nghệ sĩ Thúy Vân cũng thể hiện một cách xuất sắc với phần bộc lộ chiều sâu nội tâm phong phú, khắc họa rõ nét và sắc sảo tính cách từng nhân vật, được đông đảo khán giả và đồng nghiệp mến mộ.
Trong bối cảnh công tác đào tạo diễn viên kế cận sau ngày giải phóng tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, một số diễn viên, nhạc công gạo cội của đoàn lại xin chuyển về các tỉnh Phú Khánh, Nghĩa Bình, Quảng Nam - Đà Nẵng. Nghệ sĩ Thúy Vân với vai trò là hạt nhân đầu đàn cộng với kinh nghiệm sân khấu lâu năm, là một trong số các nghệ sĩ đảm nhận việc phụ đạo, chỉ bảo và dìu dắt các diễn viên trẻ của Đoàn Ca kịch bài chòi Thuận Hải. Thông qua quá trình học hỏi, tiếp thu về nghệ thuật ca hát và diễn xuất dưới sự dìu dắt của chị, lớp diễn viên đàn em đã từng bước có những vai diễn hay, được công chúng ghi nhận. Có thể kể các diễn viên tiêu biểu như: Đoàn Lộc, Thúy Vân, Bích Hường…
Từ ngày nghỉ hưu đến nay, nghệ sĩ Thúy Vân vẫn say sưa, nhiệt tình hoạt động trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Chị là Hội viên Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, trực tiếp sinh hoạt tại Chi hội Sân khấu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận. Được mời tham gia đóng phim và thể hiện xuất sắc vai bà Nhân -chủ hãng nước mắm trong bộ phim truyền hình nhiều tập “Chuyện làng Cát” của đạo diễn Trần Vịnh. Trong nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn, các đêm thơ, nhạc, các chương trình biểu diễn ngày lễ, tết và các sự kiện văn hóa nghệ thuật quan trọng của tỉnh nhà, chị luôn là thành viên nòng cốt. Nghệ sĩ Thúy Vân đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng 3 (năm 1985); Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa (năm 1986); Huy chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam (năm 1999). Về thành tích nghệ thuật, nghệ sĩ Thúy Vân đã đạt Huy chương vàng vai “em Hạnh” trong vở kịch dân ca “Đội kịch chim Chèo bẻo” trong Hội diễn nghệ thuật sân khấu toàn miền Bắc (1970); Huy chương bạc vai “bà Hòa Phát” trong vở “Vách đá nóng bỏng” tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ Văn hóa và Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức ở Hà Nội (năm 1985). Vừa qua, nghệ sĩ Thúy Vân đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSƯT đợt 2 năm 2023 theo Quyết định số: 1432/QĐ-CTN ngày 28/11/2023.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/nguoi-dien-vien-ca-kich-bai-choi-ca-doi-tam-huyet-voi-nghe-thuat-dan-toc-127731.html
Comment (0)