Opportunités et défis de la nouvelle période

Việt NamViệt Nam02/02/2025


Trong bối cảnh nhu cầu phân bón tiếp tục gia tăng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành phân bón Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, cùng với cơ hội mở rộng thị trường, các doanh nghiệp trong ngành cũng phải đối mặt với những thách thức lớn.

Ngành phân bón Việt Nam đã tăng trưởng một cách ấn tượng trong năm 2024 nhờ được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các chính sách nông nghiệp bền vững, tuy nhiên, những thách thức lớn cũng đang dần xuất hiện. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ phân bón tại Việt Nam đạt khoảng 11 triệu tấn mỗi năm.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,29 triệu tấn phân bón các loại, trị giá hơn 503 triệu USD tăng nhẹ 2,5% về giá trị và tăng 8,4% về lượng, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Campuchia, sau đó là thị trường Hàn Quốc và Malaysia. Tính chung 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 3,84 triệu tấn phân bón các loại, trị giá hơn 1,28 tỷ USD. Giá nhập khẩu phân bón trung bình 9 tháng năm 2024 đạt 333,43 USD/tấn, giảm 1,36% so với cùng kì năm 2023.

Ngành phân bón Cơ hội và thách thức trong giai đoạn mới
Các thị trường xuất khẩu chính phân bón của Việt Nam 9T2024
(Ảnh: Theo Tổng cục Hải quan)

Có thể thấy, đây là những tín hiệu tích cực cho ngành phân bón Việt Nam. Với nền nông nghiệp phát triển, nhu cầu phân bón trong nước luôn duy trì ở mức cao, đặc biệt trong vụ mùa quan trọng như Đông Xuân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chủ động, linh hoạt tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống giúp tăng doanh thu, giảm rủi ro từ biến động thị trường nội địa. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp phân bón, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và kinh doanh. Điển hình theo Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 thì kể từ ngày 01/7/2025, phân bón sẽ phải chịu thuế GTGT 5% và không còn thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất phân bón trong nước có thể giảm, đồng thời giá bán phân bón nhập khẩu sẽ tăng thêm 5% do thuế VAT. Điều này giúp gia tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa.

Theo Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), thị trường phân bón tại Việt Nam có giá trị 3,44 tỷ USD trong năm 2024, dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 3,38%, có thể đạt 4,20 tỷ USD vào năm 2030 (tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2017-2023 là 1%). Tuy nhiên, công ty này cũng chỉ ra 5 rủi ro chính đối với ngành nông nghiệp phân bón Việt Nam trong giai đoạn tới:

Thứ nhất, xu hướng toàn cầu đang dần chuyển dịch sang các sản phẩm phân bón sinh học, hữu cơ nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Dù phân bón hữu cơ chưa hoàn toàn thay thế được phân bón hóa học do hiệu suất thấp hơn, nhưng nhu cầu đối với sản phẩm này đang tăng nhanh.

Thứ hai, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt và bão đang gia tăng cường độ và tần suất, gây ảnh hưởng đến hoạt động gieo trồng. Sự suy giảm diện tích canh tác đồng nghĩa với nhu cầu phân bón có thể giảm theo.

Thứ ba, giá các loại nguyên liệu như khí tự nhiên, kali và photphat biến động mạnh do tác động từ chiến tranh, lệnh trừng phạt và sự điều chỉnh chính sách của các quốc gia lớn. Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn cung này, đánh vào chi phí sản xuất và giá bán phân bón trong nước.

Thứ tư, Trung Quốc đang siết chặt hoạt động xuất khẩu phân bón, đặc biệt là urê và photphat, gây tác động lớn đến giá và nguồn cung trên toàn cầu.

cuối cùng, các quy định kiểm soát khí thải và tiêu chuẩn môi trường đang dần siết chặt, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu lớn như EU và Hoa Kỳ, tác động trực tiếp đến doanh nghiệp trong ngành.

Ngoài ra, thị trường nội địa vẫn còn tồn tại nhiều doanh nghiệp mới và cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất những sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín của ngành và gây thiệt hại cho nông dân. Gần đây nhất có thể kể đến vụ việc của Công ty Cổ phần thương mại phân bón Nam Dương và Công ty cổ phần tập đoàn phân bón Quốc tế Hoa Kỳ - VINA. Hai doanh nghiệp này đã thừa nhận do nguyên liệu đầu vào khan hiếm và giá tăng cao nên đã tự chế công thức sản xuất phân bón cụ thể đối với từng mã sản phẩm. Trong đó, có những loại phân bón NPK có hàm lượng Kali thấp và những loại phân bón NPK không có hàm lượng Kali. Sau đó sản xuất đại trà các loại phân bón giả bán ra thị trường.

Ngành phân bón đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo năng suất nông nghiệp và an ninh lương thực toàn cầu. Trong giai đoạn mới, ngành phân bón đang đối mặt với không ít cơ hội và thách thức. Các tiến bộ khoa học công nghệ và xu hướng phát triển bền vững mang lại cơ hội to lớn để ngành phân bón nâng cao hiệu quả và giảm thiểu tác động môi trường. Tuy nhiên, những vấn đề như biến đổi khí hậu, sự thiếu hụt nguyên liệu, và áp lực về chi phí sản xuất đang tạo ra không ít thách thức đối với các doanh nghiệp trong ngành.

Để ngành phân bón phát triển bền vững, bên cạnh chính sách và chiến lược phát triển của các cơ quan quản lý nhà nước thì các doanh nghiệp cần khai thác tối đa cơ hội, tập trung vào đầu tư nghiên cứu, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến và phát triển các sản phẩm phân bón thân thiện môi trường, xây dựng nền kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.



Nguồn: https://baodaknong.vn/nganh-phan-bon-co-hoi-va-thach-thuc-trong-giai-doan-moi-241674.html

Comment (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available