Tranh thủ thời gian rỗi vào các buổi cuối tuần, đồng bào Cơ Tu ở các thôn lân cận của xã Tà Bhing tập trung về nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Ga Lêê (xã Tà Bhing) để tham gia lớp học đan lát truyền thống. Lớp học do Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân tỉnh phối hợp với huyện Nam Giang tổ chức, tạo điều kiện hỗ trợ giúp truyền dạy kỹ năng đan lát truyền thống Cơ Tu cho cộng đồng địa phương.
Ông Coor Minh - Trưởng nhóm lớp đào tạo nghề đan lát Cơ Tu tại xã Tà Bhing cho biết, lớp học có gần 30 học viên (trong đó có 7 nữ) được truyền đạt kỹ năng đan lát bởi 3 nghệ nhân của xã Tà Bhing. Thông qua việc truyền dạy từ lý thuyết cho đến kỹ năng thực hành cơ bản giúp các học viên nắm bắt quá trình tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, tinh xảo.
“Trước đây, người trẻ thường ít quan tâm đến việc học đan lát, vì họ nghĩ đó là công việc của người già. Nhưng từ khi có lớp học nghề này, không chỉ đàn ông, mà ngay cả chị em phụ nữ cũng tham gia.
Bởi ai cũng hiểu được rằng, đan lát là nghề truyền thống rất quan trọng của người Cơ Tu, cần phải bảo tồn và gìn giữ. Đặc biệt khi giá trị văn hóa đan lát được tạo ra đang phục vụ rất tốt cho việc phát triển du lịch cộng đồng, giúp người dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống” - ông Minh chia sẻ.
Là một trong số 7 phụ nữ tham gia lớp học đan lát, nhiều tháng qua, chị Arất Chiến gần như không vắng mặt buổi nào. Bằng quyết tâm của mình, chị Chiến nói việc theo học nghề truyền thống này là cơ hội để kiếm thêm thu nhập, cũng như góp sức cho bảo tồn văn hóa.
Điều đó rất phù hợp khi chính quyền địa phương đang nỗ lực đưa các điểm du lịch cộng đồng Tà Bhing thành không gian văn hóa với đa dạng sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách...
Theo ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, với lợi thế có nguồn nguyên liệu dồi dào như mây, tre, nứa... thời gian qua, địa phương tranh thủ nguồn lực từ các dự án, chương trình, chủ động đào tạo và khôi phục các làng nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số; trong đó có nghề đan lát của đồng bào Cơ Tu.
Thông qua lớp tập huấn, khóa đào tạo ngắn hạn thời gian qua, một số làng nghề truyền thống dần khôi phục và phát triển dưới dạng tổ hợp tác, nhóm hộ và hộ gia đình.
Các sản phẩm đan lát Cơ Tu như gùi, giỏ, nia... trở thành mặt hàng lưu niệm yêu thích của khách du lịch. Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ đồng bào Cơ Tu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/vung-cao-nam-giang-no-luc-khoi-phuc-nghe-dan-lat-truyen-thong-3148588.html
Kommentar (0)