Abierto

Việt NamViệt Nam09/02/2025


Ông Phạm Thanh Tùng thực hiện nghi thức dựng nêu tại nhà ngày 29 tết.

Ở Tây Ninh, phần nhiều các miếu, đình thường cúng khai hạ vào mùng 7 tết. Ngoại lệ có các đình Bà (ấp Bến, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu), Long Khánh (huyện Bến Cầu) cúng mùng 3 và dinh thờ Quan lớn Huỳnh Công Nghệ (xã Hảo Đước, huyện Châu Thành) cúng vào mùng 9...

Cây nêu đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong ngày tết cổ truyền ở Việt Nam với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ trong những đầu năm và mong cầu những điều tốt lành, may mắn trong năm mới. Cho đến nay, phong tục này ở Tây Ninh vẫn còn được duy trì trong miếu, đình và một số gia đình truyền thống. Thường sau khi đưa ông Táo hay sắp ấn, đưa thần các cơ sở tín ngưỡng dân gian và tư gia bắt đầu dựng cây nêu. Ở Trảng Bàng xưa nay cư dân dựng nêu vào chiều ngày cuối năm (29 hoặc 30 tết).

Dựng nêu ở đình Thái Bình, thành phố Tây Ninh (ảnh: Minh Trí)

Cây tre để dựng nêu là cây tốt, trên treo bùa tứ tung ngũ hoành, cái giỏ đựng trầu cau, gạo muối, tiền vàng, miếng vải đỏ (có nơi lấy từ một góc khăn ấn của thầy pháp), phong pháo, nhang, lồng đèn... Những gia đình hiện đại cũng dựng cây nêu nhưng trên treo lồng đèn, mắc đèn nhấp nháy để phù hợp trong xã hội đương thời. Cây nêu được dựng ở trước đình, miếu hoặc nhà. Sau khi dựng, vị chủ lễ thắp nhang vái thành hoàng bổn xứ, trời, đất chứng giám và phù hộ.

Theo ông Phạm Thanh Tùng (ngụ khu phố Bàu Mây, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng), dựng cây nêu là truyền thống của gia đình ông được thực hiện từ nhiều đời nay. Khi xưa nghi thức dựng nêu rất trang trọng, có lập hương án, cúng chè xôi; còn nay chỉ còn dựng cây nêu và thắp nhang dưới gốc cây.

Cây nêu được dựng đến mùng 7 tết. Nêu hạ xuống cũng là lúc mọi người trở lại với nhịp sống thường ngày, mang theo những lời chúc tốt đẹp cho một năm mới bình an, thuận lợi.

Lễ cúng khai hạ ở miếu Tiên sư (phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng)

Bà con ở ấp An Phú, làng An Hoà (nay thuộc khu phố Hoà Phú, phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng) còn sắm sanh lễ vật đến cúng ở miếu Tiên sư, bởi theo cổ lệ, mùng 7 tết cũng là ngày vía ông Tiên sư. Miếu Tiên sư còn được biết đến là nhà vuông ở An Phú khi xưa rất bề thế ở vị trí ngã ba đường, cách đình An Hoà không xa, được dựng bằng gỗ, lợp ngói, trong miếu có trống, mõ.

Do nhường đất để xây Trường tiểu học An Phú nên miếu bị thu hẹp, ở ngay ngã ba cạnh trường. Về sau này người dân xây nhà, miếu một lần nữa bị thu nhỏ lại trong khuôn viên sân nhà ông Phạm Văn Muột (gia đình ông đã 4 đời làm ông từ trông miếu. Nay ông mất, vợ và các con tiếp tục phụng sự). Hiện vật xưa chỉ còn lại chiếc mõ nhà vuông.

Ngày trước lễ cúng miếu rất linh đình. Khoảng 4 giờ sáng, chức sắc trong làng, ấp khăn áo chỉnh tề đến miếu dâng hương khởi thái bình thanh (mõ). Nhà nhà trong ấp nấu xôi, chè, cháo, luộc gà, vịt, quay heo... đem đến dâng cúng. Xong xuôi, mọi người bày ra ở miếu, quây quần cũng nhau dùng bữa, vui chơi...

Lễ cúng diễn ra trong cả ngày. Nay tuy miếu dời về sân nhà ông từ nhưng lệ xưa vẫn được cư dân gìn giữ. Họ nhớ ngày, chuẩn bị lễ vật mang đến cúng, cầu nguyện cho người dân trong ấp năm mới bình an, mạnh khoẻ, công việc làm ăn luôn được thuận lợi.

Lễ cúng khai hạ ở đình Phước Hiệp (phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng).

Miếu Bà Chúa xứ Nguyên Nhung toạ lạc tại ấp Bà Nhã, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng tổ chức cúng khai hạ vào ngày mùng 7 tháng Giêng và đây cũng là lễ cúng chính của miếu. Lễ khai hạ tại miếu Bà được nhân dân trong ấp cùng nhau đóng góp tổ chức vì không có hội miếu. Còn tại đình Phước Hiệp (phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng), Ban Khánh tiết cùng người dân bái tế thành hoàng bổn cảnh, cầu an cho bá tánh, cầu thạnh cho quốc gia, thạnh nước, thạnh nhà, đắc nhân đắc lợi, hoà bình thế giới, nhân loại tương thân...

Phí Thành Phát



Nguồn: https://baotayninh.vn/khai-ha-a185849.html

Kommentar (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available