Hưng Hà có vị trí thuận lợi, là cực tăng trưởng phía Tây Bắc của tỉnh, với nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển ngành du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, sinh thái. Tranh thủ thuận lợi, tận dụng thời cơ, Hưng Hà đang thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện nhằm khẳng định vị thế, sức vươn lên mạnh mẽ của vùng quê địa linh nhân kiệt.
Một cung đường - nhiều điểm đến
Những ngày đầu xuân, chúng tôi trở về vùng đất địa linh nhân kiệt, được chìm đắm trong kiến trúc cổ kính, uy nghi, lộng lẫy của đền Trần (xã Tiến Đức). Đây là nơi yên nghỉ của Thái tổ Trần Thừa và 3 vị vua đầu triều Trần. Ngày 27/1/2014, lễ hội đền Trần Thái Bình được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nhiều nghi lễ, phong tục độc đáo đậm nét văn hóa thời Trần như: lễ rước nước, lễ giao chạ, thi cỗ cá, các trò chơi dân gian... Nghệ nhân ưu tú Vũ Xuân Thắng, thành viên Ban Quản lý di tích đền Trần cho biết: Mỗi kỳ lễ hội truyền thống, khu di tích đón tiếp hàng vạn du khách về dâng hương, tế lễ và tìm hiểu lịch sử dân tộc. Mong muốn thông qua lễ hội du khách gần xa sẽ hiểu hơn về những dấu mốc lịch sử của dân tộc và mỗi người dân địa phương thêm tự hào về quê hương mình là nơi phát tích của một vương triều hùng mạnh.
Là một trong những du khách du xuân tại đền Trần, bà Hà Thị Tuyết, thành phố Hà Nội cho biết: Đền Trần là một trong những địa điểm du xuân nổi tiếng ở Thái Bình nói riêng, miền Bắc nói chung. Đây không chỉ là nơi để chúng tôi tỏ lòng tri ân công lao các vị vua triều Trần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn là cơ hội để mỗi người dân thêm hiểu, thêm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc. Mỗi khi đến đây, tôi thấy dâng lên một cảm xúc thiêng liêng để khi ra về cảm thấy trong lòng thanh thản với niềm tin một năm mới may mắn, thành công.
Từ đền Trần, du khách có thể đến tham quan, vãn cảnh tại đền Tiên La (xã Đoan Hùng), nơi thờ Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục. Bà là nữ tướng lừng danh dưới thời Hai Bà Trưng, có công đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc. Đền Tiên La được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1986. Ông Đặng Vũ Trần Nhã, thủ nhang đền Tiên La cho biết: Đền Tiên La hiện đang được quy hoạch tổng thể 4 khu gồm: khu vực tâm linh, khu vực nhà khách, khu vực nghỉ ngơi và ăn uống, khu vực vui chơi lễ hội. Khuôn viên khang trang nhưng vẫn không mất đi nét đẹp cổ kính nên thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, chiêm bái tại đền, tạo cơ hội cho phát triển du lịch tâm linh tại đây.
Trên cung đường mùa xuân, du khách còn có thể đến thăm Hành Cung Lỗ Giang, xã Hồng Minh; khu di tích lịch sử cách mạng Trường Vỵ Sỹ; khu di tích lịch sử văn hóa đền thờ Diệu Dung công chúa, xã Chí Hòa; khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn, xã Độc Lập; nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Hồng An; cụm di tích lịch sử quốc gia đình, đền, lăng thờ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ và Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, xã Liên Hiệp...
Không chỉ khai thác lợi thế về tâm linh, Hưng Hà còn là địa phương có nguồn nước khoáng nóng dồi dào là cơ hội để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Nắm bắt thời cơ đó, Hưng Hà đã có nhiều quyết sách thu hút nhà đầu tư xây dựng một khu vui chơi giải trí kết hợp tắm khoáng nóng quy mô lớn vừa được khởi công tại xã Duyên Hải. Dự án gồm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là khu tổ hợp thương mại, dịch vụ lưu trú và khoáng nóng Wyndham Duyên Hải quy mô 4,8ha, mức đầu tư gần 240 tỷ đồng. Khi dự án đi vào hoạt động dự kiến sẽ thu hút hàng vạn khách du lịch đến vui chơi giải trí, tắm khoáng nóng, chăm sóc sức khỏe, trị liệu.
Trong tương lai không xa, sau những hành trình hòa mình vào cuộc sống người dân địa phương để khám phá chiều sâu văn hóa, lịch sử tâm linh trên địa bàn, du khách sẽ được trải nghiệm dịch vụ chuyên nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế và hàng trăm tiện ích tại khu nghỉ dưỡng khoáng nóng xã Duyên Hải, tận hưởng một chuyến đi ngập tràn các cung bậc cảm xúc. Đây chính là điểm hấp dẫn để du lịch Hưng Hà trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Phát huy tiềm năng và tầm nhìn phát triển
Những năm qua, huyện Hưng Hà luôn chú trọng phát triển du lịch tâm linh. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã tu bổ, tôn tạo 77 di tích; đầu tư xây dựng 26 tuyến đường huyết mạch với tổng mức đầu tư 736,97 tỷ đồng; tổ chức và quy hoạch xây dựng các điểm du lịch gắn với các di sản văn hóa, tạo sự liên kết giữa các điểm du lịch trong huyện. Hiện toàn huyện có 598 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 19 di tích quốc gia, 95 di tích cấp tỉnh, có 135 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 114 lễ hội truyền thống lưu giữ hàng chục trò chơi dân gian, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút lượng khách đến tham quan năm sau luôn cao hơn năm trước từ 10 - 15%. Ông Đinh Bá Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: Huyện quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, trước mắt là đẩy nhanh tiến độ thi công công trình hạ tầng về giao thông, văn hóa, dịch vụ... đang được triển khai; chú trọng phát triển hoạt động du lịch trong cộng đồng dân cư gắn với phát triển sản xuất, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa nghề, làng nghề thủ công truyền thống... nhằm hình thành điểm tham quan, du lịch trải nghiệm cho du khách và đa dạng hóa các loại hình du lịch; xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu có thương hiệu để trưng bày, giới thiệu cho du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tạo điều kiện sớm đưa Hưng Hà trở thành trung tâm du lịch tâm linh - nghỉ dưỡng - sinh thái của tỉnh.
Đặc biệt, Hưng Hà còn là địa bàn trọng điểm vùng kinh tế tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là lợi thế thu hút nhà đầu tư tại huyện. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai thực hiện dự án tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi huyện Hưng Hà, kết nối với tỉnh Hưng Yên (phạm vi tỉnh Thái Bình) dự kiến có điểm đầu tại nút giao giữa đường vào khu công nghiệp TBS Sông Trà với quốc lộ 10 (tuyến tránh S1), trên địa phận thành phố Thái Bình và điểm cuối tại đầu cầu vượt sông Luộc, trên địa phận xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 24,8km, được thiết kế theo quy mô đường cấp II đồng bằng, tốc độ thiết kế 100km/h là điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch đến huyện tham quan, trải nghiệm. Trong bối cảnh đó, Hưng Hà đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đưa du lịch thành 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Ông Trần Hữu Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà cho biết: Để du lịch Hưng Hà thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, theo dự thảo Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chúng tôi tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên du lịch phong phú, sẵn có để tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch của huyện cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính bền vững, hiệu quả; gắn lợi ích cộng đồng dân cư tại các khu, điểm du lịch. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phấn đấu đến năm 2030, du lịch Hưng Hà trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung của huyện; chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh mang đậm bản sắc riêng, thân thiện với môi trường; nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong việc xây dựng, bảo vệ, gìn giữ hình ảnh du lịch Hưng Hà độc đáo, thân thiện, mến khách, góp phần hình thành điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh gắn với hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội và dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực có sức thu hút đối với du khách.
Bảo An
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/38/217132/hung-ha-dua-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon
Kommentar (0)