Trong năm 2024, ngành GTVT dự kiến được phân bổ số vốn “khủng” nhất, hơn 57.735 tỉ đồng (tương đương 2,5 tỉ USD), chiếm hơn 92,5% tổng vốn phân bổ cả giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 63.700 tỉ đồng (tương đương 2,7 tỉ USD).
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu thủ trưởng các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các cơ quan tham mưu có liên quan của bộ cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao nhất, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, đồng lòng trong thực hiện nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024.
Cụ thể, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án được giao khẩn trương triển khai phân khai dự toán chi theo kế hoạch được giao cho các dự án theo đúng tiến độ yêu cầu; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu; kịp thời thực hiện ghi thu, ghi chi vốn ODA và vay ưu đãi đã thực hiện với Kho bạc Nhà nước; xử lý nghiêm cán bộ, phòng, ban không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán.
Các đơn vị phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý, xác định “đường găng” giải ngân đối với từng dự án, báo cáo bộ (qua Vụ Kế hoạch – Đầu tư) ngay trong tháng 1 làm cơ sở cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của đơn vị.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn đối với các dự án khởi công mới, đặc biệt đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022; thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện – giải ngân của từng dự án/gói thầu để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất biện pháp xử lý.
Đối với Vụ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ trưởng yêu cầu theo dõi chặt chẽ kết quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư của từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án; chủ động, điều hòa linh hoạt kế hoạch vốn giữa các dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hoàn thành trong năm 2024; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam có trách nhiệm khẩn trương thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu, thiết kế, dự toán, các dự án… khi nhận được hồ sơ do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trình, đặc biệt là các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022. Song song, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật đối với các dự án do các địa phương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chủ quản, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, đường liên kết vùng và các dự án trọng điểm.
Trong năm 2024, ngành giao thông phấn đấu đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130 km đường bộ cao tốc, sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép – Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn.
“Kết quả giải ngân kế hoạch đăng ký đầu năm là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2024 của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, trừ lý do bất khả kháng. Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lấy tiêu chí kế hoạch giải ngân của đơn vị để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cán bộ có liên quan” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Năm 2023, Bộ GTVT lập kỷ lục về giải ngân vốn đầu tư công khi được giao 114.000 tỉ đồng. Trong đó, số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao vượt rất nhiều so với kế hoạch xây dựng của bộ (khoảng 71.000 tỉ đồng), lớn nhất từ trước tới nay và gấp 1,7 lần năm 2022; gấp 2,2 lần năm 2021.