Kinhtedothi - Các chính sách mới có hiệu lực từ đầu năm 2025 được kỳ vọng sẽ tạo những đột phá, giải phóng nguồn lực đầu tư công, phát huy hiệu quả trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai Kế hoạch đầu tư công 2025 và những năm tiếp theo.
Chặng đường cuối của giai đoạn 2021 - 2025 đánh dấu một thời kỳ tăng tốc mạnh mẽ trong đầu tư công. Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công, với hàng loạt công trình giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, thời gian ngắn và áp lực hoàn thành đúng tiến độ đặt ra những thách thức không nhỏ.
Có 3 rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân năm 2024 vẫn chưa được giải quyết triệt để được các chuyên gia chỉ ra. Đầu tiên, vấn đề giải phóng mặt bằng chậm trễ tiếp tục là nút thắt lớn nhất, đặc biệt tại các địa phương có quy mô dự án lớn.
Thứ hai, thủ tục hành chính phức tạp và kéo dài làm giảm tính hiệu quả trong phê duyệt và giải ngân vốn. Thứ ba, nguồn cung nguyên vật liệu hạn chế đã làm đình trệ nhiều dự án, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng.
Thực tế việc thực hiện đầu tư công giai đoạn vừa qua vẫn còn những hạn chế như: thể chế, chính sách liên quan trực tiếp đến việc hình thành và triển khai dự án đầu tư công còn bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Theo quy định, từ khi hình thành dự án đến khi có thể giải ngân được vốn, tổ chức thực hiện trải qua nhiều giai đoạn, với nhiều quy trình, trình tự, thủ tục chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kiến trúc... mỗi giai đoạn có những vướng mắc khác nhau.
Trong khi đó, việc thực hiện phải được tuần tự theo quy định của pháp luật, tuân thủ thời gian, do đó dù có vướng mắc nhỏ thì cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ tiến độ tổng thể của dự án.
Mức độ khả thi của kế hoạch phụ thuộc vào việc tháo gỡ các nút thắt quan trọng, bao gồm tối ưu hóa quy trình phân bổ vốn, cải thiện cơ chế chính sách, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng ổn định. Đây là những vấn đề đã được Thủ tướng Chính phủ tập trung tháo gỡ trong cuối năm 2024, tạo tiền đề bứt phá tiến độ đầu tư công trong năm 2025.
Đơn cử như Luật Đầu tư công năm 2024 đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025 sẽ tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn trong triển khai các dự án đầu tư công… Đó là rút ngắn thời gian làm thủ tục dự án, chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm và đơn giản hóa quy trình để khai thác tối đa các nguồn lực, nâng cao chất lượng dự án đặc biệt là các dự án trọng điểm về xây dựng kết cấu hạ tầng...; Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các cấp, các ngành trong triển khai, bảo đảm nguyên tắc cấp nào quản lý dự án thì cấp đó chịu trách nhiệm về các nội dung liên quan trong quá trình thực hiện.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật nói chung và đầu tư công nói riêng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Theo đó, Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Với tinh thần đổi mới, mang tính “cách mạng” về quản lý đầu tư công, trong đó: quy định đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bối cảnh phát triển mới, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các cấp, ngành, địa phương trong điều hành, quản lý đầu tư công.
Đồng thời, cần quy định cụ thể, làm rõ các nội dung về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, từ đó khắc phục những khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong thực hiện của các quy định trước đây.
Cùng với đó là việc thể chế hóa một số quan điểm, mục tiêu, định hướng của T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ để góp phần phát huy hiệu quả của hoạt động đầu tư như: tăng cường công tác chuẩn bị đầu tư, phân cấp phân quyền việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; quy định cụ thể, tăng tính hấp dẫn của đầu tư theo phương thức đối tác công - tư; tăng cường tính minh bạch, rút ngắn thời gian, quy trình trong tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hàng loạt giải pháp được Chính phủ đưa ra, trong đó, có việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật đầu tư công; nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bao gồm cả về vật liệu xây dựng; thúc đẩy hoạt động của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc giải ngân đầu tư công; phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tạo sự chủ động cho các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu… được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh vốn đầu tư công chảy vào nền kinh tế.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/luat-dau-tu-cong-va-ky-vong-dot-pha-cho-nam-2025.html
Bình luận (0)