Tài sản của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long bốc hơi 2.000 tỷ đồng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế thép nhập khẩu. Tuy nhiên, cổ phiếu HPG đã hồi phục. Tác động chính sách của Mỹ ra sao với các doanh nghiệp thép Việt Nam?
Trong phiên giao dịch 10/2, cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và nhiều mã ngành thép khác giảm mạnh. HPG giảm gần 4,7%, qua đó khiến tài sản của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long giảm hơn 2.000 tỷ đồng, xuống còn 42 nghìn tỷ đồng.
Tài sản của gia đình tỷ phú Long bốc hơi gần 2.800 tỷ đồng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam. Rạng sáng 11/2 (giờ Việt Nam), ông Trump ký sắc lệnh này.
Các cổ phiếu ngành thép khác trong phiên 10/2 cũng giảm mạnh như: HSG của Tập đoàn Hoa Sen (giảm 4,52%), Thép Nam Kim giảm 3,6%...
Thông tin ông Trump đánh thuế đã tác động mạnh tới tâm lý nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, tác động tiềm năng được đánh giá không nhiều.
Theo Chứng khoán SSI, Tổng thống Trump đã ký các tuyên bố để tăng thuế đối với nhập khẩu thép và nhôm lên mức cố định 25% và loại bỏ tất cả các miễn trừ cho tất cả quốc gia. Đây là một phần mở rộng của thuế Mục 232 được ban hành vào năm 2018 bởi ông Trump, ban đầu đặt mức cố định 25% cho nhập khẩu thép nhưng bao gồm các miễn trừ cho một số quốc gia như Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Vương quốc Anh.
Trong sắc lệnh mới, Washington duy trì thuế Mục 232 và loại bỏ tất cả các miễn trừ. Luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3 tới.
Đối với Việt Nam, nhập khẩu thép vào Mỹ đã bị đánh thuế 25% kể từ năm 2018 theo Mục 232, vì vậy thép của Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế này.
Chứng khoán SSI nhận định, có rất ít tác động đến ngành thép Việt Nam liên quan đến xuất khẩu sang Mỹ. Thậm chí, hành động thuế mới có thể có phần tích cực đối với ngành thép Việt Nam vì đưa mức thuế nhập khẩu của Việt Nam (trước khi tính đến các loại thuế bảo hộ khác) ngang hàng với các quốc gia khác.
Xuất khẩu thép của Việt Nam sang các quốc gia bị ảnh hưởng như Mexico và Canada cũng tương đối nhỏ (tính đến tháng 12/2024). Các nước này không nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam, theo dữ liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).
Dù vậy, cũng cần thời gian để xem xét tác động cuối cùng bởi sắc lệnh phức tạp. Theo đó, có một số loại thuế khác như CVD (thuế đối kháng) và AD (thuế chống bán phá giá), trong đó thuế AD vẫn đang trong quá trình điều tra.
Gần đây, Mỹ đã phát hành kết quả điều tra sơ bộ và thuế sơ bộ CVD đối với thép chống ăn mòn của Việt Nam, với Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Tôn Đông Á (GDA) nhận được mức thuế tối thiểu (xấp xỉ 0,13% và 0%). Kết quả sơ bộ AD dự kiến sẽ được công bố trong những tháng tới.
Trong phiên giao dịch ngày 11/2, cổ phiếu HPG hồi phục khá mạnh, tăng gần 2,8%, giúp gia đình ông Trần Đình Long lấy lại già nửa số tài sản giảm trong phiên liền trước.
Tuy nhiên, HSG và GDA vẫn đi xuống, với cổ phiếu giảm tương ứng 0,9% và 1,24%.
Với ngành thép, theo Chứng khoán SSI, triển vọng trong năm 2025 vẫn tích cực dựa trên giá thép đã chạm đáy, nhu cầu nội địa mạnh hơn từ sự phục hồi của ngành bất động sản và đầu tư công. SSI cũng kỳ vọng sẽ có thuế chống bán phá giá đối với thép tấm cuộn cán nóng HRC của Trung Quốc và Ấn Độ.
HPG được dự báo có doanh thu gia tăng nhờ khu phức hợp Dung Quất 2 đi vào hoạt động.
Trong năm 2024, HPG ghi nhận doanh thu tăng 17%, lên hơn 140 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 77%, lên hơn 12 nghìn tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán phiên 11/2 ghi nhận chỉ số VN-Index tăng 5,2 điểm, lên 1.268,45 điểm. HNX-Index tăng 0,9 điểm, lên 228,87 điểm. Upcom-Index tăng nhẹ 0,12 điểm, lên 96,75 điểm. Thanh khoản trên 3 sàn đạt 15,5 nghìn tỷ đồng.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ong-trump-ap-thue-thep-ty-phu-tran-dinh-long-mat-nghin-ty-tac-dong-ra-sao-2370471.html
Bình luận (0)