Tình trạng sử dụng lòng, lề đường để phơi nông sản, rơm rạ, tuốt lúa tiếp tục tái diễn ở nhiều địa phương ở Hà Tĩnh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Thời điểm này, bà con đang bước vào vụ thu hoạch lúa xuân. Trên nhiều tuyến đường ở các địa phương như: Can Lộc, Lộc Hà, Nghi Xuân, vùng ven TP Hà Tĩnh… đang xuất hiện tình trạng phơi lúa, rơm rạ, khoai, ngô. Đáng nói, tình trạng này không chỉ diễn ra trên đường làng, ngõ xóm mà xuất hiện ở các huyết mạch giao thông vốn có lượng phương tiện qua lại nhiều.
Sau tuốt lúa, rơm chất đống, án ngự giữa lòng đường. Ảnh chụp tại thị trấn Lộc Hà.
Không chỉ cản trở đi lại, việc phơi nông sản trên lòng đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông đối với người và phương tiện. Ngoài ra, người dân còn dùng gạch, đá, cành cây để chắn, giữ bạt phơi; thậm chí là làm điểm tập kết rơm rạ thành từng đống án ngự giữa đường khiến người tham gia giao thông phải giảm tốc độ hoặc lấn sang cả làn đường dành cho phương tiện khác.
Chị Trần Thị Hà (xã Sơn Lộc, Can Lộc) bày tỏ: “Tôi đi làm bằng xe ô tô. Vào mùa gặt, mỗi khi đi qua những đoạn đường phơi rơm, rạ, tôi rất lo sợ bị rơm quấn vào gầm xe, nhất là ở những đoạn đường, người dân phơi rơm trên toàn bộ diện tích mặt đường nên không thể tránh được, rất nguy hiểm vì rơm rạ quấn vào xe có nguy cơ cháy, nổ xe rất cao. Tình trạng này năm nào cũng xảy ra, tôi mong là các lực lượng chức năng sớm vào cuộc, phân làn được để đảm bảo an toàn cho người đi đường”.
Lực lượng cảnh sát giao thông đề nghị người dân không phơi lúa trên Quốc lộ 15, đoạn qua xã Sơn Lộc (Can Lộc).
Thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là do việc phơi nông sản, tuốt lúa trên đường. Chị Hà Trang (xã Cổ Đạm, Nghi Xuân) bức xúc: “Cách đây 2 tuần, trên đường tôi đi làm, đoạn qua xã Xuân Mỹ, do toàn bộ lòng đường bị người dân chiếm phơi khoai lang cắt lát, tôi không thể tránh được, bắt buộc phải đi trên khoai nên bị trơn trượt, ngã xe. Đến giờ, chân tôi vẫn còn sưng đau, chưa thể đi lại bình thường. May mắn là thời điểm đó tôi đi chậm, nếu đi nhanh có thể bị lao xe xuống mương nước thì sẽ còn nguy hiểm hơn”.
Người dân phơi ngô ở lòng, lề đường tại xã Xuân Giang (Nghi Xuân).
Tình trạng phơi nông sản, rơm rạ trên đường mỗi mùa thu hoạch đã tái diễn nhiều năm nay, khiến nhiều người đi đường bức xúc. Trong khi đó, hành vi phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ đã được Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định là không được thực hiện.
Để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan trên các tuyến đường, lực lượng công an giao thông nhiều địa phương đã ra quân nhắc nhở, chấn chỉnh tình trạng phơi nông sản, rơm rạ, tuốt lúa dưới lòng đường trong mùa cao điểm thu hoạch lúa xuân.
Được biết, vừa qua, Công an huyện Lộc Hà đã ban hành công văn tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng người dân vi phạm sử dụng lòng, lề đường để tuốt lúa, phơi thóc, rơm rạ, hải sản và thả rông trâu bò trên các tuyến đường, gây mất an toàn giao thông.
Lực lượng cảnh sát giao thông chấn chỉnh tình trạng phơi lúa ở lòng đường tại xã Thạch Mỹ (Lộc Hà).
Theo đó, lực lượng công an đã tăng cường kiểm tra trên các tuyến đường để tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành theo quy định; không sử dụng lòng, lề đường để phơi nông sản. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Người dân để gạch, đá ngay giữa lòng đường để giữ bạt phơi. Ảnh chụp trên đường Ngô Quyền, đoạn qua xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh).
Để chấn chỉnh tình trạng này, trước hết cần tiếp tục nâng cao ý thức người dân trong việc đảm bảo an toàn cho chính mình và những người tham gia giao thông. Cùng đó, chính quyền các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Khoản 2 và khoản 3, điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường và sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép là hành vi bị cấm. Khoản d, điều 35 cũng quy định không được thực hiện hành vi: phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ; Điểm b, khoản 1, điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 – 400.000 đồng đối với tổ chức phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a, khoản 10, điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: “buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ”. |
Khánh Ngọc – Dạ Vũ