Thiếu chính sách khuyến khích, thiếu quy hoạch khiến du lịch đêm của Hà Nội chưa thực sự bứt phá.
Trả lời VnExpress, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, đánh giá hạ tầng của Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển du lịch đêm. Thành phố có hệ thống hạ tầng kết nối các điểm du lịch, điểm hoạt động kinh tế ban đêm. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu giải trí, ăn uống, mua sắm, nghỉ ngơi phục vụ du khách khá phát triển. Hà Nội cũng có những không gian cho phát triển kinh tế ban đêm, tập trung ở các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến du lịch, đặc biệt là những điểm đến di tích, di sản đã xây dựng được một số sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác giá trị truyền thống như tour Giải mã Hoàng thành Thăng Long; tour Du lịch Đêm Thiêng Liêng của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò. Các mô hình tổ chức biểu diễn nghệ thuật đêm cũng được chú trọng phát triển như nhà hát chèo Hà Nội, nhà hát Cải lương Hà Nội; nhà hát Múa rối Thăng Long.
“Kinh tế đêm của Hà Nội đã có sự tăng trưởng gần đây, tuy nhiên chưa thực sự bứt phá. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư sản phẩm du lịch về đêm, chưa quy hoạch không gian để xây dựng các tổ hợp du lịch đêm riêng biệt”, bà Giang nói.
Hà Nội chưa có quy hoạch các điểm chơi đêm rõ ràng. Nhiều quán bar, nhà hàng ở phố cổ nằm trong khu dân cư, khó hoạt động muộn.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, nói kinh tế đêm phải kéo dài từ 18h đến 6h còn ở Hà Nội khoảng 11h đã tương đối vắng. Ông Đạt từng tới quán bar ở Pattaya (Thái Lan) vào khoảng 23h nhưng thấy vắng tanh do khách chủ yếu đến sau 0h và phải đến 4h mới vãn dần. Lúc ông rời quán là khoảng 2h, khách vẫn đông nghịt và tiếng nhạc vẫn xập xình.
Vào ngày cuối tuần, Hà Nội có phố đi bộ, nhưng trong tuần du khách hầu như chỉ biết đến vài quán bia vỉa hè, bar ở khu Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm). Grant Wilson, khách Australia, 61 tuổi, từng đến Việt Nam và đa số quốc gia Đông Nam Á khác, mong muốn Hà Nội nên phát triển thêm một số khu chợ đêm, hoạt động giải trí, nghệ thuật vì ngồi vỉa hè uống bia mãi cũng “nhàm chán”.
Sở Du lịch Hà Nội cũng nhận thấy sản phẩm đêm phải phục vụ nhu cầu của khách trong khung thời gian này. Tuy nhiên, Hà Nội hiện mới thí điểm mở rộng hoạt động kinh doanh đến 2h sáng tại khu vực phố cổ vào những ngày cuối tuần.
Hà Nội có thế mạnh về ẩm thực, có thể sánh ngang các thành phố lớn của Thái Lan. Tuy nhiên, hoạt động ẩm thực đường phố ở Thái Lan được tổ chức quy củ hơn với các gian hàng đều phải đăng ký, chính quyền nhờ thế dễ dàng kiểm soát.
Còn tại khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, hoạt động ẩm thực đường phố chủ yếu là bán rong, đồ ăn khó đảm bảo vệ sinh, một vài chỗ còn nướng mực trên vỉa hè, trông “rất nhếch nhác”. “Cũng do thiếu sự quản lý nên chúng ta thường thấy tình trạng chặt chém, làm xấu hình ảnh du lịch”, ông Đạt nói.
Mặt khác, hoạt động vui chơi, ẩm thực đường phố của Hà Nội cũng xung đột với hoạt động an ninh trật tự. Bà Hoàng Anh – chủ nhà hàng, quán bar đã hoạt động khoảng 11 năm ở “phố Tây” Tạ Hiện – nói khu phố thường đông khách sau 23h nhưng quán vừa “mở cửa được một lúc, cán bộ phường lại nhắc nhở thu dọn, để không ảnh hưởng đến người dân sống xung quanh”.
Theo chủ hộ kinh doanh này, giá thuê nhà ở Tạ Hiện đắt đỏ, trung bình từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng mỗi tháng cho một tầng trệt; có thể lên tới hơn 200 triệu đồng nếu thuê cả nhà. Bà Hoàng Anh mong muốn thành phố sớm có những cơ chế nới lỏng, cho phép các quán tăng thời gian hoạt động và sử dụng vỉa hè một cách hợp pháp.
Đại diện AZA Travel cho rằng Hà Nội cần có những cơ chế để dung hòa lợi ích giữa các bên, quy hoạch khu riêng biệt để tổ chức các hoạt động du lịch đêm. Thời gian đầu, người dân có thể chưa quen nhưng cũng phải tự chủ động thay đổi để phù hợp với định hướng phát triển của thành phố.
Ông Đạt lấy ví dụ các tiểu thương khu vực phố cổ từng gặp nhiều khó khăn khi Hà Nội mở tuyến phố đi bộ, cấm xe cuối tuần. Tuy nhiên, qua thời gian, họ cũng thích nghi và thay đổi, từ bán buôn đi các tỉnh thành chuyển qua bán hàng cho khách du lịch.
Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch đêm cho thành phố và có nhiều mô hình sản phẩm dịch vụ đêm trên thế giới để thành phố học hỏi như tham quan các lâu đài cổ vào buổi tối ở thành phố York (Anh); chương trình ca nhạc do người chuyển giới biểu diễn ở Bangkok, khu vui chơi Believe It Or Not và khu phố đêm Pattaya; du thuyền trên sông Châu Giang ở Quảng Châu (Trung Quốc).
Bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm, Sở Du lịch Hà Nội cũng nhận thấy chính quyền các điểm đến nói trên luôn có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia phát triển kinh tế đêm. Hà Nội kỳ vọng có thể biến du lịch đêm thành sản phẩm chủ đạo của kinh tế đêm thủ đô, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, thu hút khách đến chi tiêu nhiều hơn và kéo dài thời gian lưu trú.
Tú Nguyễn