Chủ đầu tư CII sẽ bảo lãnh cho dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội vay tối đa gần 2.400 tỷ đồng trong 7 năm.
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) chấp thuận cho công ty này bảo lãnh khoản vay trung – dài hạn của dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ Ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn. Số tiền vay tối đa là khoảng 2.398 tỷ đồng trong thời gian 7 năm. Công ty không công bố thông tin gì thêm về khoản vay trên.
BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm của TP HCM, do CII làm chủ đầu tư. Dự án này chia thành 3 giai đoạn, hiện hoàn thành toàn bộ trục chính đoạn từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia TP HCM, nâng cấp rải nhựa toàn bộ đoạn Dĩ An (Bình Dương).
Dự án còn dang dở hai trục đường song hành Xa lộ Hà Nội do vướng mặt bằng, chồng lấn hạ tầng của một số dự án như metro Bến Thành – Suối Tiên, vệ sinh môi trường.
Với riêng CII, dự án này có tầm quan trọng rất lớn trong mạch kinh doanh của doanh nghiệp. BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội chiếm 25% tỷ trọng đóng góp tài sản cho công ty, chỉ sau cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Với thời điểm hoàn vốn vào năm 2035, theo tính toán của ban lãnh đạo, dự án có thể chiếm 30% doanh thu mỗi năm trong giai đoạn 2023-2032. Trong khi đó, CII ước tính doanh thu giai đoạn này tăng từ gần 2.400 tỷ lên 5.000 tỷ đồng.
Mở rộng Xa lộ Hà Nội cũng như các dự án BOT khác mà CII đang đầu tư, tuy mang lại nguồn thu lớn và ổn định trong tương lai, vẫn để lại cho doanh nghiệp này rủi ro từ đòn bẩy tài chính. Nợ vay của công ty cuối 2016 gần 3.600 tỷ đồng, đến 2021 đã lên hơn 17.000 tỷ đồng. Tính riêng năm ngoái, doanh nghiệp này phải chi hơn 3 tỷ đồng mỗi ngày để trả lãi vay.
Dẫu vậy, lãnh đạo CII tuyên bố, với hai nguồn thu lớn từ BOT và bất động sản, công ty đủ khả năng hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính. Sau thời gian dài “gắn liền với nợ”, công ty cũng bắt đầu tập trung vào lộ trình tăng vốn và giảm nợ vay.
Trong cuộc họp thường niên hôm 24/5, Tổng giám đốc Lê Quốc Bình cho biết một tổ chức tài chính lớn nằm trong top 3 tại Việt Nam, đã thông qua quyết định tài trợ 2.400 tỷ đồng cho CII. Đây là số tiền nằm trong gói vay dài hạn (12 năm) trị giá gần 9.400 tỷ đồng.
Cũng tại phiên họp này, công ty thông qua phương án phát hành 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi với cổ đông hiện hữu. Một khoản trong số tiền thu được sẽ dùng để trả nợ ngân hàng cho dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội, tối đa 2.400 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn và giảm nợ được doanh nghiệp này đưa ra còn để chuẩn bị tham gia vào các dự án mới với quy mô lớn trong giai đoạn sau năm 2024. Theo kế hoạch, CII dành 60.000 tỷ đồng để nghiên cứu các dự án hạ tầng giao thông mới như đường trên cao kết hợp bất động sản TP HCM, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 2, nút giao trong TP HCM và cầu Thủ Thiêm 4.
Tất Đạt