TP HCMÔng Tú, 79 tuổi, căng tức bụng dưới, kết quả chụp CT cho thấy khối phình kích thước 6,3 cm ở động mạch chủ bụng, nguy cơ vỡ.
Ông có tiền sử phình động mạch chủ nhiều chỗ. 7 năm trước, ông nhập viện cấp cứu vì chứng bóc tách động mạch chủ type A, phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ ngực lên, đặt stent. Sau mổ, ông tái khám định kỳ tại Mỹ. Hai năm trước, bác sĩ phát hiện ông có khối phình động mạch chủ bụng, kích thước 4 cm nên chỉ theo dõi (trên 5,5 cm mới có chỉ định can thiệp).
Lần này chụp CT tại bệnh viện Tâm Anh ghi nhận khối phình động mạch chủ bụng tăng kích thước lên 6,3 cm. Ngày 8/11, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết nếu không xử lý kịp thời, khối phình có nguy cơ vỡ, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Ông Tú lớn tuổi, kèm nhiều bệnh nền như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu. Theo bác sĩ Dũng, bệnh nhân cần điều trị khối phình động mạch chủ bụng, tuy nhiên nguy cơ tai biến có thể xảy ra trong và sau thủ thuật. Nhằm giảm tối đa rủi ro, ê kíp quyết định đặt stent graft (khung đỡ có lớp màng chắn phủ quanh nhằm không cho máu thoát ra khỏi lòng mạch) thay vì phẫu thuật. Phương pháp này rút ngắn thời gian thủ thuật, phục hồi nhanh, hiệu quả điều trị cao, phù hợp với bệnh nhân lớn tuổi, sức khỏe yếu hoặc có bệnh lý nền không đủ điều kiện mổ mở.
Bệnh nhân có tiền sử phình động mạch chủ nhiều chỗ, nhánh mạch máu nuôi rất dễ tổn thương trong quá trình can thiệp, dẫn tới thiếu máu cung cấp cho cơ quan xung quanh như thận, gan, ruột, tủy sống… Ê kíp đặt stent graft khéo léo tránh được tổn thương mạch máu nuôi. Stent ôm trọn thành động mạch, điều chỉnh dòng chảy trong lòng mạch về trạng thái bình thường. Bệnh nhân xuất viện sau ba ngày.
Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất trong cơ thể, mang máu từ tim đến tất cả cơ quan khác. Phình động mạch chủ là tình trạng thành động mạch yếu đi và phình ra thành một khối chứa đầy máu. Bệnh ảnh hưởng đến nam nhiều hơn nữ. Có hai loại thường gặp là phình động mạch chủ bụng (chiếm khoảng 75% tổng số ca) và phình động mạch chủ ngực. Một số người mắc cả hai trường hợp.
Bệnh thường không biểu hiện triệu chứng. Khi khối phình phát triển nhanh, người bệnh mới có cảm giác đau sâu, liên tục ở vùng bụng hoặc một bên bụng, đau lưng, căng tức vùng xung quanh rốn (giống như đánh trống ngực).
Bác sĩ Dũng cho biết gần 90% trường hợp vỡ khối phình không thể cứu chữa. Do đó, người xuất hiện triệu chứng da nhợt, chân tay lạnh, đổ mồ hôi, chóng mặt, ngất xỉu, tim đập nhanh, khó thở…, khả năng khối phình đã vỡ cần cấp cứu ngay.
Để phòng ngừa phình động mạch chủ hoặc ngăn vỡ khối phình, bệnh nhân cần tránh hút thuốc lá, ăn uống lành mạnh, giữ chỉ số huyết áp và cholesterol trong giới hạn cho phép, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát bệnh lý nền. Mỗi người cần tầm soát định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |