Được đầu tư cải tạo từ 8 năm trước, kênh Tân Hóa – Lò Gốm dài hơn 7 km vẫn ngập rác sinh hoạt, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng người dân sống hai bên.
Trưa 28/6, bà Hoàng Dung đóng kín mít cửa căn nhà cấp 4 nằm trên đường Lò Gốm để ngăn mùi hôi thôi nồng nặc từ kênh Tân Hóa- Lò Gốm cách đó 5 m. Dòng nước dưới kênh đen kịt, rác thải, túi nilon, thùng xốp nổi lềnh bềnh, váng dầu loang. Để ngăn mùi hôi ảnh hưởng hai đứa cháu, bà Dung lắp thêm lớp cửa kính, sắm máy lọc không khí nhưng vẫn không đáng kể. “Có ngày nắng gắt, cả gia đình phải kéo qua nhà người thân để tránh mùi”, bà Dung nói.
Theo người phụ nữ 58 tuổi, vài năm gần đây tuyến kênh ô nhiễm nặng trở lại. Hàng ngày, quán xá hai bên đường đổ thức ăn thừa, nước thải khi rửa chén xuống dưới. Ban đêm, nhiều người mang chó mèo chết, quần áo cũ, bàn ghế từ nơi khác ném xuống nước hoặc xả dọc bờ dốc của kênh. Ở một số đoạn vỉa hè, rác thải chất đống cạnh biển báo cấm. Nhiều panô của chính quyền kêu gọi giữ gìn vệ sinh, không xả rác xuống kênh cũng bị vẽ bậy.
Hơn 20 năm sống tại đây, bà Dung từng chứng kiến cảnh dòng kênh Tân Hóa- Lò Gốm từ ô nhiễm nặng sau đó được cải tạo, chỉnh trang. Hàng nghìn ngôi nhà lấn chiếm kênh được giải tỏa thay bằng bờ kè, lan can kiên cố. Khi dự án được đưa vào sử dụng cách đây 8 năm, mùi hôi thối ở kênh đã giảm đáng kể. Người dân hy vọng dòng kênh sẽ trong xanh, không còn rác thải trên mặt nước, song sau vài năm cải tạo, ô nhiễm phát sinh trở lại.
Cách đó 500 m, gần chục người trong đội vớt rác thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM thu gom chất thải để chuyển lên xe đưa đi xử lý. Nhân viên đội vớt rác lái hai cano gắn thanh sắt có tấm lưới để lùa rác theo dòng nước đến gần công viên Lò Gốm. Nhiều tấm nệm, hộp cơm, xác động vật nổi đầy mặt nước xen lẫn lục bình được vớt vào ba thùng nhựa lớn đặt trên cano. Một số vật dụng cỡ lớn như sofa, tủ lạnh, nhân viên phải vất vả vớt bằng tay.
Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM cho biết một ngày lực lượng vớt 5-6 tấn rác, lục bình dọc kênh, trong đó đa phần là chất thải sinh hoạt. Vào mùa hè, số lượng rác thải tăng đáng kể do rác trôi từ các cống hộp theo nước mưa cuốn ra kênh. So với kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, việc xử lý rác ở Tân Hóa – Lò Gốm khó khăn hơn do nước thải chưa qua xử lý rất hôi thôi, chứa nhiều khí độc ảnh hưởng sức khỏe.
Công trình cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm hơn 7 km qua ba quận 6, 11 và Tân Phú hoàn thành năm 2015 với kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng. Dự án đã làm gần 12 km đường kết nối, tạo bốn khu cảnh quan dọc kênh, xây lắp gần 8.000 m cống bao thu gom nước thải; nạo vét 300.000 m3 bùn, khơi thông dòng chảy, tạo không khí trong lành dọc tuyến. Đến nay đường xá, bờ kè hai bên đã khang trang nhưng kênh vẫn ô nhiễm nặng, ngập rác.
Ông Huỳnh Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND quận 6, cho rằng nhiều hộ dân còn thiếu ý thức bảo vệ môi trường đã xả rác bừa bãi, người từ nơi khác đổ trộm chất thải vào ban đêm xuống kênh. Rác thải khó phân huỷ tích tụ lâu ngày gây ô nhiễm nghiêm trọng. Thêm vào đó, do thiếu nguồn vốn, hiện nay khu vực kênh chưa có nhà máy xử lý nước thải. Nước sau sinh hoạt từ các hộ dân, cơ sở sản xuất xả trực tiếp ra kênh qua cống.
Theo ông Hùng, để giảm ô nhiễm, đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân nhận thức bảo vệ dòng kênh và phối hợp các sở ngành nạo vét vùng đất bồi lắng, ổn định dòng chảy ngăn ứ đọng rác. “Biện pháp giảm ô nhiễm hiệu quả nhất vẫn là ý thức của người dân”, ông Hùng nói.
Cùng với địa phương, Sở Xây dựng TP HCM mới đây đã kêu gọi các nhà đầu tư nhà máy xử lý nước thải do lưu vực kênh Tân Hóa – Lò Gốm để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm về lâu dài.
Đình Văn