Luật tục giữ rừng
Huyện Tây Giang có hơn 91 nghìn héc ta rừng. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm hơn 70% với nhiều loại gỗ quý hiếm như lim (250 ha), đỗ quyên (430 ha), giổi (300 ha), cùng sự đa dạng về hệ động, thực vật quý hiếm còn sót lại trên dãy Trường Sơn. Đặc biệt, quần thể Pơ mu phân bố trên diện tích gần 500 ha được xem là một báu vật trong vùng rừng Tây Giang. Hiện, quần thể cây Pơ mu được chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt, gần như còn nguyên vẹn với hơn 2.000 cây, gồm gồm 1.146 cây được công nhận Cây di sản Việt Nam. Đây được đánh giá là một trong những rừng cây gỗ quý hiếm nhất còn sót lại ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Có được điều này là nhờ nhiều năm nay cộng đồng người Cơ Tu đã xây dựng một luật tục giữ rừng riêng cho mình. Với người Cơ Tu khi lấy bất cứ thứ gì từ trong rừng họ luôn quan niệm là phải xin các thần linh của rừng (Abhô Jàng), chặt cây to hay cây nhỏ đều phải xin, phải cúng, phải họp bàn dân làng chấp thuận rồi mới được phép chặt cây mang về. Mọi thứ ở rừng là của chung, là của cả cộng đồng ai cũng có trách nhiệm và nghĩa vụ gìn giữ, bảo vệ. Người nào vi phạm sẽ bị làng phạt vạ, nghiêm khắc hơn là cấm vào rừng.
Luật tục Cơ Tu cũng cấm không cho đốt phá rừng đầu nguồn, vì với họ đầu nguồn là mạch nuôi sống con người, nếu phá thì trong làng dễ xảy ra dịch bệnh, chết chóc. Do vậy, ai phá rừng đầu nguồn phải chịu một khoản chi phí cho làng cúng, ít nhất phải có: một con heo to, một con dê và gộc rượu.
Chính từ những quan niệm trên nên người Cơ Tu luôn truyền dạy cho con cái bằng những câu nói lý rất thâm thúy, văn minh, sâu sắc: “Con chim trên trời cao cần rừng xanh bát ngát/ Con cá dưới nguồn cần dòng nước trong veo/ Con người Cơ Tu cần mẹ rừng che chở/ Cho dân làng ta sinh sôi, nảy nở/ Cho mùa màng ta luôn bội thu/ Cho người Cơ Tu khắp muôn nơi mãi mãi trường tồn…/ Mất rừng chim không còn tiếng hót/ Mất suối sông cá không còn hơi thở/ Mất mẹ rừng người Cơ Tu sẽ tàn vong”.
Tầm tháng 2 âm lịch, bên mái nhà Gươl nằm giữa những khu vực rừng nguyên sinh, người Cơ Tu lại tổ chức lễ Khai năm Tạ ơn rừng. Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, đây được xem là lễ hội Tạ ơn rừng lớn nhất của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, Lễ Khai năm Tạ ơn rừng là nét đẹp truyền thống của đồng bào Cơ Tu nhằm tạ ơn mẹ thiên nhiên đã che chở. Từ năm 2018, chính quyền huyện Tây Giang đã phục dựng Lễ hội Tạ ơn rừng với quy mô lớn, không chỉ nhằm mục đích khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống của người Cơ Tu mà còn nâng cao nhận thức về công tác giữ rừng, văn hóa giữ rừng của người dân.
“Việc duy trì Lễ Tạ ơn rừng có ý nghĩa rất lớn trong việc biểu dương các hành động đẹp, cổ vũ mạnh mẽ việc chung tay gìn giữ môi trường tự nhiên, bảo vệ rừng già và nguồn nước ở cộng đồng” – ông Nguyễn Văn Lượm thông tin.
Nhân lên những kho báu giữa đại ngàn
Với người Cơ Tu, rừng không chỉ đơn thuần là môi trường sống, là cây cỏ, là động-thực vật cho họ sự sống, rừng còn là cội nguồn văn hóa, là thần linh che chở và bảo vệ họ khỏi thú dữ, kẻ thù, thiên tai. Do vậy, không chỉ bảo vệ rừng, bà con Cơ Tu còn tự nguyện, hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng, tự bỏ tiền làm đường giao thông nông thôn để tiện đi lại, hướng cuộc sống ra ngoài, hướng về miền xuôi, bớt phụ thuộc vào rừng sâu. Đây cũng là cách bảo vệ rừng hữu hiệu, tiến tới có thể làm du lịch cộng đồng, sống nhờ vẻ đẹp của rừng, nhưng biến rừng thành tài nguyên phục vụ con người.
Chị Zơ Râm Thị Lành, ở thôn Ganil, xã Axan, huyện Tây Giang chia sẻ: “Được cán bộ hướng dẫn, chúng tôi đã xử lý thực bì, cõng cây, đào hố để trồng rừng. Sau khi trồng cây, tôi thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện sâu bệnh, trồng dặm ngay đối với cây bị chết, cây yếu, để cây sống tốt, phát triển rừng với mục đích góp phần vào công tác bảo vệ rừng, chống xói mòn, sạt lở đất trên địa bàn.”
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tây Giang cho biết: Đồng bào Cơ Tu sống theo cộng đồng, ý thức bảo vệ rừng cũng rất cao. Là đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, Ban quản lý đã đến tận nhà người dân vận động, tuyên truyền bà con tích cực tham gia công tác trồng rừng và bảo vệ rừng, giữ cho màu xanh của những cánh rừng luôn phủ khắp các bản làng nơi đây.
“Công tác quản lý bảo vệ rừng được tổ chức bài bản với sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chuyên trách và cộng đồng dân cư. Ban quản lý thường xuyên phối hợp với già làng, trưởng thôn vận động bà con không được phát vào rừng già, đồng thời thường xuyên tuần tra diện tích giao khoán của Ban Quản lý”- ông Sinh cho biết.
Trong khi nhiều nơi, rừng bị tàn phá, bốc hơi từng ngày thì ở Tây Giang, 7 năm qua chỉ để xảy ra 1 vụ phá rừng. Chính là nhờ truyền thống giữ rừng mà tổ tiên để lại đang được đồng bào nơi đây đắp bồi và trao truyền qua nhiều thế hệ.