Chính quyền huyện Đông Anh đã có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội và Sở Nội vụ việc thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận, ngày 21/6.
Theo đề án, Đông Anh được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực bắc sông Hồng, đóng vai trò động lực phát triển ở phía bắc Thủ đô.
Quận Đông Anh được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên 185 km2, dân số 437.000 người và 24 xã, thị trấn hiện có. Sau khi lên quận, Đông Anh có 24 phường gồm: Đông Anh, Bắc Hồng, Cổ Loa, Đại Mạch, Đông Hội, Dục Tú, Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Liên Hà, Mai Lâm, Nam Hồng, Nguyên Khê, Tàm Xá, Thụy Lâm, Tiên Dương, Uy Nỗ, Vân Hà, Vân Nội, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Canh, Xuân Nộn.
Về địa giới hành chính, phía đông quận giáp TP Từ Sơn và huyện Yên Phong (Bắc Ninh); phía tây giáp huyện Mê Linh và huyện Đan Phượng; phía nam giáp huyện Gia Lâm, quận Long Biên; phía bắc giáp huyện Sóc Sơn với ranh giới là sông Cà Lồ. Huyện đã đạt 5/5 tiêu chí thành lập quận và 4/4 tiêu chí lập phường (hạ tầng xã hội; kỹ thuật đô thị; vệ sinh môi trường; kiến trúc cảnh quan…).
Quận cũng đã tổ chức lấy ý kiến cử tri và đại biểu HĐND các cấp. Kết quả lấy ý kiến cử tri hôm 11/6 cho thấy hơn 99% đồng ý với đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận. Tuy nhiên, cử tri kiến nghị sau khi thành lập phường giữ nguyên một số tên gọi có ý nghĩa văn hóa, lịch sử lâu đời của địa phương; tiếp tục đầu tư nhà văn hóa, khu vui chơi, điểm sinh hoạt cộng đồng; quan tâm hơn nữa vấn đề môi trường, nước sạch.
Đông Anh cách sân bay quốc tế Nội Bài 13 km, tập trung nhiều tuyến đường huyết mạch như Thăng Long – Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt), cao tốc Nhật Tân – Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), quốc lộ 5 kéo dài (gồm đường Trường Sa và Hoàng Sa), quốc lộ 3… Có hai tuyến đường sắt chạy qua Đông Anh là tuyến nối trung tâm TP Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Lào Cai.
Địa bàn huyện có hai khu công nghiệp lớn là Bắc Thăng Long và Đông Anh; 3 cụm công nghiệp Nguyên Khê, Liên Hà, Vân Hà. Ngoài ra, huyện có một số làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Trạm khắc gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Vân Hà, Thụy Lâm, Liên Hà; nghề sơn mài và sản xuất đồ gỗ ép phun sơn ở xã Liên Hà, Bắc Hồng, Thụy Lâm; nghề sản xuất thép và cơ khí ở xã Dục Tú.
Ngoài những khu đô thị, khu dân cư tập trung hiện hữu, huyện đã và đang hình thành các khu đô thị mới như: Eurowindow River Park thuộc khu tái định cư Đông Hội, Kim Chung…
Theo UBND huyện Đông Anh, việc thành lập quận sẽ tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng kinh tế của huyện nói riêng và toàn TP Hà Nội nói chung. Tuy nhiên, lên quận cũng sẽ có những khó khăn nhất định, nhất là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; thói quen, lối sống về bảo vệ môi trường của một số người dân còn hạn chế.
Sự phát triển kinh tế – xã hội và quá trình đô thị hóa trong giai đoạn công nghiệp hóa sẽ dẫn đến nhiều vấn đề bất cập mới nảy sinh như: Quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp; tình trạng lao động nông thôn chuyển về đô thị để tìm kiếm việc làm sẽ tăng tạo ra áp lực về nhu cầu việc làm, nhà ở.
Đề án thành lập quận Đông Anh sẽ được trình HĐND thành phố xem xét thông qua tại kỳ họp đầu tháng 7 và thành phố hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2023.
Hà Nội hiện có 12 quận (Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên), 17 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Ba Vì, Mê Linh, Quốc Oai, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thanh Trì, Phú Xuyên, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín, Ứng Hòa) và thị xã Sơn Tây.
Thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có 3-5 huyện lên quận, trước mắt là ưu tiên nguồn lực, hoàn thiện các tiêu chí đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận năm 2023.
Võ Hải