Sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại: Yếu tố quan trọng trong kỷ nguyên mới

Việt Nam trong kỷ nguyên mới phải phát huy được sức mạnh nội sinh, đồng thời phải nhạy bén, nắm bắt được xu thế phát triển của thời đại để đi tắt, đón đầu, tạo thành nguồn lực phát triển bứt phá và bền vững.

VietNamNetVietNamNet02/02/2025

LỜI TÒA SOẠN: 

Tết là thời khắc hướng về nguồn cội, cùng tận hưởng cảm giác ấm áp của giây phút đoàn viên, sum họp bên mái ấm gia đình.

Tết cũng là thời điểm đặc biệt để nhìn lại những gì đã qua, là khởi đầu cho một năm mới với niềm tin, hy vọng về những điều tốt đẹp nhất.

Chào Xuân Ất Tỵ, VietNamNet chia sẻ những câu chuyện về Tết, về vị thế quốc gia, về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong bài trao đổi với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa 14 (lớp thứ 3) tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Hiện nay là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu” và “đây là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới”.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu và học viên lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 14 (lớp thứ 3). Ảnh: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, “Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại”.

Tổng Bí thư khẳng định, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Và thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội 14 của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.

Tổng Bí thư Tô Lâm đúc kết: “Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, khơi dậy ý chí tự lực, tự chủ, tự tin, tự cường, tự hào dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân kết hợp với sức mạnh thời đại, con thuyền cách mạng Việt Nam sẽ đạt được những kỳ tích”.

Cũng theo Tổng Bí thư Tô Lâm, một trong những ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình đó chính là “kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”. Đây là nhận thức đúng đắn của Tổng Bí thư Tô Lâm về vai trò của việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bởi kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Thực tế, Người khơi đường, chỉ lối vấn đề kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Xuất phát từ việc thấm nhuần lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin: “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” và “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại”, trong quá trình hoạt động cách mạng, vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo Đảng và cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn tìm cách để kết nối cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, đặt phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vào trong dòng chảy chung của cách mạng thế giới.

Việc nỗ lực thực hiện kết hợp ngay từ sớm sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế đó của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta đã giúp cho cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn, vĩ đại.

Tuy nhiên, có những thời điểm, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, chúng ta đã nhận thức không đầy đủ về vai trò của việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Vậy nên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6 của Đảng năm 1986 - Đại hội khởi đầu cho kỷ nguyên đổi mới, Đảng đã khẳng định: “Phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới”. Đây là một trong bốn bài học kinh nghiệm mà Đại hội 6 đã đúc rút. Và trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7 của Đảng năm 1991, thì kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tiếp tục được khẳng định là một trong 5 bài học lớn về lãnh đạo cách mạng của Đảng.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng, bài học này lại một lần nữa được nêu rõ rằng: “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế”. Đảng khẳng định: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”.

Như vậy, có thể thấy, trong quá trình lãnh đạo đổi mới đất nước, Đảng đã nhận thức được đầy đủ vai trò của vấn đề kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bài học này đã được quán triệt sâu sắc trong cả quá trình Đảng lãnh đạo đổi mới đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Phạm Hải

Thắng lợi của kỷ nguyên đổi mới đã cho thấy giá trị lý luận và thực tiễn của bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Kết hợp được một cách hiệu quả sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế nên chúng ta đã thực sự vươn mình, cất cánh, tạo lập được vị thế lớn mạnh của đất nước trong quá trình đổi mới. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, cô lập, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên của Liên Hiệp Quốc. Chủ quyền quốc gia lãnh thổ được đảm bảo, an ninh chính trị và quốc phòng an ninh luôn ổn định, vững chắc. Quy mô của nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam đã trở thành một trong 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng đã xây dựng được các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và trong khu vực. Đây chính là thực tiễn để cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Nhưng hẳn rằng, thành quả này có được là do chúng ta đã nhận thức đầy đủ và thực hiện tốt, có hiệu quả việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế để làm nên kỳ tích trong kỷ nguyên đổi mới.

Ngày nay, khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu thì việc quán triệt kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi muốn bước vào kỷ nguyên mới với hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin vượt qua thử thách, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói thì lại càng cần phải hiểu rằng: Chúng ta không thể đi một mình.

Bởi như chính Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ rằng: “Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước. Sự biến chuyển có tính thời đại đem đến thời cơ, thuận lợi mới, đồng thời cũng có nhiều thách thức, trong đó mặt thách thức nổi trội hơn và thời cơ mới còn có thể xuất hiện trong khoảnh khắc giữa những thay đổi đột biến trong cục diện thế giới”.

Điều này đòi hỏi, Việt Nam trong kỷ nguyên mới vừa phải phát huy được sức mạnh nội sinh từ bên trong, đồng thời phải nhạy bén, nắm bắt được xu thế phát triển của thời đại chuẩn bị các điều kiện từ bên trong để đi tắt, đón đầu, kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, tạo thành nguồn lực phát triển bứt phá và bền vững.

Và cũng chính Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra rằng: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trí tuệ nhân tạo và công nghệ số đem đến cơ hội mà những quốc gia đang phát triển, chậm phát triển có thể nắm bắt để đi trước đón đầu, phát triển vượt bậc”. Đây chính là dự báo của Tổng Bí thư về xu thế của thời đại để Đảng, Nhà nước và mỗi người dân đều phải nhận thức, nắm bắt và tự tin, tự lực, nỗ lực thực hiện vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, thực sự vươn mình thực hiện thắng lợi khát vọng phát triển đất nước để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/suc-manh-dan-toc-va-suc-manh-thoi-dai-yeu-to-quan-trong-trong-ky-nguyen-moi-2365660.html


Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available