Tiếp tục chương trình khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với Tỉnh ủy Thái Bình.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Thái Bình, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án triển khai thực hiện Nghị quyết 29 với quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Tỉnh cũng tập trung đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD&ĐT, nhờ đó đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, 100% trường mầm non trong tỉnh thực hiện hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; từ năm 2013 đến nay luôn đạt phổ cập giáo dục tiểu học ở mức độ 3;
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được đặc biệt chú trọng (có 3 Huy chương vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) trong 3 năm liên tiếp); đạt tỷ lệ dạy nghề trên 90% ở cả 2 cấp; đủ biên chế giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học trước khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong công tác phát triển đội ngũ, Thái Bình đã có văn bản chuyển giáo viên mầm non hợp đồng thành viên chức, kịp thời tháo gỡ về đội ngũ giáo viên mầm non.
Về cơ chế tài chính, đáng chú ý, mức chi ngân sách cho GD&ĐT của tỉnh từ năm 2013 đến 2023 trung bình đạt trên 20% tổng chi ngân sách địa phương.
Về khó khăn, hạn chế, Tỉnh ủy Thái Bình nêu rõ: Một số cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ nên khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018;
Cơ cấu đội ngũ ở một số cơ sở giáo dục chưa đồng bộ; cơ sở vật chất còn có tiêu chí chưa đạt chuẩn; chất lượng học sinh giỏi quốc gia chưa bền vững.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận Thái Bình đã tổ chức quán triệt Nghị quyết 29 toàn diện, kịp thời; ban hành Chương trình hành động từ rất sớm và triển khai có hiệu quả, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
“Càng đổi mới thì khó khăn, thách thức càng nhiều. Vì vậy, đổi mới phải có lộ trình, trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; quá sốt ruột hoặc quá cầu toàn đều không được”, Thứ trưởng lưu ý.
Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu các cơ sở giáo dục trong đổi mới GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: “Đổi mới mà người đứng đầu không thông, không “truyền lửa” được cho cấp dưới thì rất khó thành công”.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị địa phương làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới, đảm bảo hiệu quả; đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục; đổi mới cơ chế tài chính và cơ sở vật chất hướng tới chuẩn hóa, “không gọt chân cho vừa giầy”.
Đề cập đến công tác xã hội hóa, Thứ trưởng cho rằng cần nhận thức phù hợp, xã hội hóa không chỉ là hỗ trợ, là từ thiện mà phải huy động mọi nguồn lực để đầu tư, từ cơ chế, chính sách, đến huy động mọi nguồn lực xã hội một cách phù hợp; xã hội hóa phải gắn với sự đầu tư của Nhà nước, với tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.
Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn công tác khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 29 tại Huyện ủy Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Theo báo cáo của cấp ủy địa phương, thực hiện Nghị quyết 29, huyện đã tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả việc đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát huy phẩm chất, năng lực người học, đạt nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, đạt xóa mù chữ cấp độ 2, đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Hoàn thành sáp nhập 41 trường (nhiều nhất tỉnh Thái Bình).
10 năm, toàn huyện đầu tư trên 800 tỷ đồng (trong đó nguồn xã hội hóa gần 117 tỷ đồng) để xây dựng, sửa chữa công trình, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học.
Đáng chú ý, năm 2019, ngành GD&ĐT Thái Thụy được Bộ GD&ĐT chọn là đơn vị duy nhất của cả nước đề cử giải thưởng của UNESCO phối hợp với Chính phủ Nhật Bản tổ chức với chủ đề “Giáo dục vì sự phát triển bền vững”.
Bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định tại buổi làm việc: “Trong mọi việc, con người là yếu tố quyết định, đối với GD&ĐT, yếu tố con người còn quan trọng hơn. Có thầy tốt mới có học trò giỏi”.
“Không ai đồng tình với bạo lực học đường, với lạm thu. Khi có vi phạm thì dứt khoát phải xử lý. Nhưng xử lý phải bình tĩnh, đúng người, đúng việc, có lý, có tình để đảm bảo hình ảnh nhà trường, nhà giáo phải tôn nghiêm, phải được xã hội tôn trọng.
Muốn vậy, mỗi thầy cô cũng phải là một tấm gương để xã hội tôn trọng”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhắn nhủ các thầy cô giáo tham gia buổi làm việc, đồng thời cũng bày tỏ mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương chia sẻ, thấu hiểu với rất nhiều áp lực mà đội ngũ nhà giáo đang phải đối mặt hiện nay.