Đổi mới giáo dục vẫn đang được kiên trì triển khai trong mỗi giờ học để học sinh có được sự phát triển toàn diện. Trong đó, có những người thầy không ngừng học tập và sáng tạo trong dạy học để hàng ngày lan tỏa những giá trị tích cực tới học trò của mình.
Nơi thầy trò coi trọng môn âm nhạc
Âm nhạc không chỉ là một môn học mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển toàn diện cho học sinh trung học phổ thông. Âm nhạc giúp học sinh giải tỏa căng thẳng, cân bằng cảm xúc và thể hiện bản thân. Âm nhạc đã trở thành "cầu nối" giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại, giúp học sinh phát triển toàn diện.
Tại trường THPT Phùng Khắc Khoan-Thạch Thất (Hà Nội), môn Âm nhạc đã trở thành một phần chương trình giảng dạy ngay từ năm đầu áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Sự thay đổi này có được nhờ sự tiên phong, tâm huyết của thầy Nguyễn Khắc Lý, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn.
Trước thực trạng các trường THPT ở Hà Nội và nhiều địa phương khác thiếu trầm trọng biên chế này, thầy Nguyễn Khắc Lý luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình.
Để thực hiện được và làm bằng được, thầy Lý đã chủ động tham gia khóa học online để có trải nghiệm và kinh nghiệm làm cơ sở chỉ đạo hoạt động chuyên môn, với yêu cầu đào tạo phải hiệu quả, chất lượng, kinh phí thấp. Thầy Lý nhận ra việc dạy học online theo phương thức mới là một giải pháp có thể tháo gỡ khó khăn.
Nhờ những nỗ lực của thầy, môn Âm nhạc đã đến được với học sinh, học sinh được thực hành các nhạc cụ là đàn guitar và sáo trúc. Điều này giúp học sinh phát triển kỹ năng biểu diễn, sự tự tin và hiểu biết văn hóa.
Việc thực hành với nhạc cụ còn giúp các em rèn luyện tính kiên nhẫn, kỷ luật, khả năng tập trung và giảm sử dụng mạng xã hội. Sau năm học đầu tiên, nhiều học sinh đã tự tin biểu diễn trước đám đông, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần trong nhà trường.
Được biết đến nay, mô hình giảng dạy Âm nhạc của trường THPT Phùng Khắc Khoan-Thạch Thất đã được Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội chọn làm mô hình điểm để phổ biến cho các trường THPT của Hà Nội.
Môn Ngữ văn: Không còn thầy nói trò nghe
Trong bối cảnh toàn ngành giáo dục đang triển khai Chương trình GDPT 2018 theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, trong đó, tư duy phản biện là một trong những năng lực quan trọng của công dân thế kỷ XXI. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động tranh biện còn khá mới, chủ yếu học sinh được tiếp cận thông qua các cuộc thi.
Cô Hoàng Thị Mận, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Newton (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhận thấy trong mỗi tiết Ngữ văn, các thầy cô nỗ lực truyền đạt kiến thức cho học trò, còn học trò thì chăm chú lắng nghe, ghi chép, ít khi bày tỏ ý kiến cá nhân về tác phẩm.
Khi làm quản lý, có nhiều cơ hội được dự giờ, cô Mận càng cảm nhận rõ hơn việc giáo viên Ngữ văn nói nhiều trong khi thực tế, mỗi văn bản văn học có nhiều hàm nghĩa và để hiểu được nội dung tác phẩm, người học phải có góc nhìn đa chiều.
Từ thực tế đó, ý tưởng đưa bộ môn tranh biện vào chương trình học để nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn bắt đầu nhen nhóm trong cô.
Việc dạy môn Ngữ văn và Tiếng Anh đặt ra yêu cầu phải chú trọng phát triển 4 kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết. Vì vậy, cô Hoàng Thị Mận đã cùng các tổ chuyên môn xây dựng chương trình, tổ chức tiết dạy tranh biện bằng tiếng Anh và tiếng Việt cho học sinh toàn trường.
Với các giải pháp đồng bộ, vừa triển khai 1 tiết dạy/tuần môn tranh biện, vừa sáng lập và phát triển Câu lạc bộ (CLB) "Tranh biện" dành cho học sinh trường Newton. Bên cạnh đó là tổ chức cuộc thi tranh biện thường niên, tạo sân chơi cho học sinh thể hiện, nhà trường đã đạt được những kết quả toàn diện, giúp học sinh phát huy khả năng và góp phần trong thành tích chung toàn trường.
Để thực hiện điều đó là hành trình 9 năm liên tục với từng thang bậc khác nhau; ban đầu là tổ chức sân chơi tranh biện tiếng Anh cho học sinh; thành lập CLB Tranh biện; xây dựng phiên bản cuộc thi tranh biện bằng tiếng Việt áp dụng cho cả giáo viên và học sinh; thực hiện chuyên đề tranh biện; áp dụng thí điểm môn tranh biện với 15 lớp và chính thức trở thành môn học từ năm học 2023-2024.
Sau thời gian ngắn triển khai tranh biện, chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, Ngữ văn tại Trường Newton đã được nâng lên. Học sinh thay vì phải nghe nhiều thì giờ đây, trong 1 tiết tranh biện, các em trở thành trung tâm của tiết học.
TS. Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, nhận định: "Tranh biện là một kỹ thuật dạy học hay nhưng khó. Kỹ thuật này rèn cho học sinh cách lắng nghe tích cực và phản hồi mang tính xây dựng.
Tôi tin tưởng rằng, cách thức của Hiệu trưởng Hoàng Thị Mận sẽ mang lại hiệu quả tốt và ngày càng có sức lan tỏa hơn".
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/lan-toa-gia-tri-tich-cuc-trong-doi-moi-giao-duc-20250204150004936.htm
Bình luận (0)