150 doanh nghiệp kỹ thuật tới ngày hội việc làm của đại học Bách khoa TP HCM để phỏng vấn trực tiếp, tìm sinh viên giỏi về làm việc.
Đang cần tuyển nhân viên kỹ thuật tự động hóa và kỹ sư vận hành máy, ông Nguyễn Đăng Tiến, Trưởng nhóm kỹ sư tự động hóa của Công ty TNHH First Solar Việt Nam, đánh giá ngày hội việc làm ở những trường chuyên về kỹ thuật như Bách khoa là một cơ hội để công ty săn ứng viên tiềm năng.
Ông Tiến tìm những sinh viên vững kiến thức chuyên ngành, chịu khó học hỏi, cầu tiến và đặc biệt có tiếng Anh tốt bởi mọi máy móc, thông tin trong công ty đều bằng tiếng Anh. Trong buổi sáng, ông đã phỏng vấn trực tiếp 10 sinh viên năm cuối đến từ một số trường đại học và “chấm” hai sinh viên của Bách khoa.
“Chúng tôi đã lọc hồ sơ, phỏng vấn qua điện thoại một vài lần sau đó mới hẹn phỏng vấn trực tiếp. Vượt qua vòng phỏng vấn hôm nay sẽ được tuyển chính thức dù một thời gian nữa các bạn mới tốt nghiệp”, ông Tiến nói.
Qua 10 ứng viên, ông Tiến đánh giá sinh viên hiện nay tự tin, giao tiếp tốt hơn nhiều so với thế hệ trước. Đây cũng là ưu điểm mà ông Hirai Toshiaki, Tổng giám đốc Công ty TNHH ACT Engineering Việt Nam, nhận xét về ba sinh viên phỏng vấn trực tiếp.
Ông Toshiaki dành thời gian 30-40 phút cho mỗi ứng viên và cho biết các bạn đều đúng giờ, tác phong gọn gàng, đam mê với kiến trúc, xây dựng và khát vọng vươn lên. Những điểm này được đánh giá cao khi làm việc với người Nhật Bản. Ông từ chối đánh giá về chuyên môn, kỹ năng của ứng viên bởi cho rằng những yếu tố này có thể đào tạo thêm và chỉ đánh giá khi làm việc thực tế.
Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa, cho biết trước ngày hội, 150 doanh nghiệp đã nhận được hơn 1.200 CV, gấp đôi so với năm ngoái. Đa số ứng viên là sinh viên năm cuối của Bách khoa và cả một số trường kỹ thuật khác, cho thấy các kỹ sư tương lai có ý thức chủ động săn cơ hội việc làm từ sớm.
Trong hơn 32.300 người đang tìm việc tại TP HCM, lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm gần 77%, tức là khoảng 25.000 người, theo một báo cáo thị trường lao động công bố đầu tháng này.
Từ nay đến hết năm, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 70.000 người, trong đó trình độ đại học trở lên chỉ khoảng 16.000, cũng theo báo cáo trên. Hiện trên thị trường lao động có nghịch lý là nhiều người không có việc, nhưng nhiều doanh nghiệp cũng đỏ mắt tìm không ra nhân sự trình độ cao.
Tại ngày hội việc làm, nhiều doanh nghiệp đặt phòng phỏng vấn trực tiếp, tạo cầu nối giúp sinh viên thể hiện rõ năng lực bản thân và tìm việc đúng chuyên ngành.
Đinh Phong, sinh viên năm cuối trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM, là một trong hàng nghìn người tới tìm cơ hội. Em đã vượt qua sơ loại của công ty First Solar Việt Nam để vào vòng trong. Buổi phỏng vấn dài 10 phút, xoay quanh chuyên ngành Phong đã học, kinh nghiệm từ những dự án làm trong quá trình học lẫn khi thực tập. Nam sinh dự đoán khả năng trúng tuyển không cao do còn yếu Tiếng Anh.
“Khi được hỏi muốn phỏng vấn bằng tiếng Anh hay Tiếng Việt, em chọn tiếng Việt và đã biết mình không có lợi thế”, Phong kể lại.
Nam sinh sẽ tìm kiếm thêm cơ hội ở các công ty khác với mức lương mục tiêu 10-12 triệu đồng một tháng.
“Với sinh viên mới tốt nghiệp ở các ngành kỹ thuật, đây là mức lương cơ bản vì thời gian đầu đi làm em ưu tiên học hỏi thêm chuyên môn và kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm”, Phong nói.
Thùy Phương, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp ngành Quản lý Công nghiệp, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, tìm cơ hội trở thành nhân viên thu mua với mức lương kỳ vọng 10 triệu đồng mỗi tháng. Theo Phương, ngày hội việc làm cho em cơ hội tiếp cận trực tiếp các công ty tuyển dụng thay vì gửi CV online.
Tham khảo gian hàng một vài công ty xây dựng, Trung Kiên, sinh viên năm cuối khoa Xây dựng của trường Đại học Bách Khoa, quyết định để lại thông tin, CV cho một công ty mà em đã tìm hiểu trước. Sau khi gửi hồ sơ, Kiên được tư vấn ứng tuyển vào vị trí giám sát công trình.
“Em sẽ tốt nghiệp vào cuối năm nay nên bây giờ bắt đầu tìm kiếm những công ty, vị trí phù hợp để chuẩn bị”, Kiên cho biết.
Tiếng Anh kém là rào cản lớn nhất
Qua nhiều đợt phỏng vấn tại các trường đại học, ông Phạm Thanh Vũ, đại diện bộ phận tuyển dụng của Công ty Esuhai Technolog, cho rằng khả năng chuyên môn là điều ông tin tưởng ở những sinh viên tốt nghiệp Bách khoa. Nhờ lực học tốt và xuất thân từ trường có thương hiệu về đào tạo, nhiều sinh viên Bách khoa có cái tôi cao, thường mặc định ở vị trí cao hơn mặt bằng chung. Nhưng qua những ứng viên phỏng vấn hôm nay, ông Vũ nhận thấy điều này đã được cải thiện.
“Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu chung của các bạn sinh viên. Trong số 10 bạn đến phỏng vấn chỉ 3 có thể giao tiếp, trả lời bằng Tiếng Anh”, ông Tiến của First Solar Việt Nam nói, nhấn mạnh rằng ngoại ngữ tốt sẽ là lợi thế cho sinh viên khi ứng tuyển.
Bên cạnh ngoại ngữ, hai nhà tuyển dụng đánh giá một số sinh viên định hướng nghề nghiệp chưa rõ ràng, kỳ vọng vị trí và thu nhập cao dù mới bắt đầu đi làm.
Không nhiều hy vọng về kết quả phỏng vấn vừa qua, Đinh Phong cho rằng với TOEIC 550, em phải nâng cao ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm tốt ở những công ty lớn.
“Chưa có kết quả như ý, nhưng được gặp trực tiếp những công ty lớn theo cách này giúp em luyện kỹ năng trả lời phỏng vấn, chuẩn bị kỹ hơn cho những lần sau”, Phong chia sẻ.
Lệ Nguyễn