Doanh nghiệp khẳng định quyết tâm trong việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Bộ Kế hoạch và Đầu tưBộ Kế hoạch và Đầu tư12/02/2025


(MPI) - Tại Hội nghị phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế diễn ra vào chiều ngày 11/02/2025, lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước khẳng định, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là chủ trương nhất quán, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta, được cụ thể hoá trong Nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 
 Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng phát biểu. Ảnh: MPI

Theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12 /2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã có rất nhiều mục tiêu và kế hoạch cụ thể, rất đầy đủ.

Ông Tào Đức Thắng cũng nhấn mạnh đến các vấn đề về xây dựng thể chế; về Quỹ khoa học công nghệ; Về hợp tác quốc tế, chúng ta cần có cơ chế thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới về Việt Nam. Về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, về dài hạn, các trường đại học nên có nguồn quỹ để sinh viên có cơ hội học tập ở nước ngoài, tìm hiểu cái mới, làm việc một thời gian tại nước ngoài sau đó quay về phục vụ đất nước, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Huỳnh Quang Liêm phát biểu. Ảnh: MPI

Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Huỳnh Quang Liêm cho biết, VNPT đã nhận thức rất rõ muốn phát triển doanh nghiệp công nghệ thì phải chủ động tiếp cận và nắm bắt công nghệ tiên tiến. Qua đấy đặt mục tiêu có nền tảng, kết quả, sản phẩm từ các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Để thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03 của Chính phủ, VNPT đã đặt ra các mục tiêu mang tính đột phá hơn nhiều. Nhận thức được trách nhiệm và động lực đó, VNPT đã chính thức báo cáo để nhận nhiệm vụ mục tiêu quốc gia về trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới.

VNPT đã cụ thể hóa các mục tiêu đột phá vào trí tuệ nhân tạo, trong đó xác định rõ 4 trụ cột quan trọng: Nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ. Với những mục tiêu đó, VNPT sẽ công bố nền tảng AI mở của Việt Nam 100%, hướng tới phát triển nhanh, bền vững, tự chủ và đủ tầm cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo với các doanh nghiệp trên thế giới và phát huy tối đa năng lực con người Việt Nam; đồng thời cập nhật và làm chủ xu hướng khoa học và công nghệ của quốc tế trong lĩnh vực.

Bảm bảo được chủ quyền quốc gia trên không gian mạng thông qua việc chú trọng an ninh mạng, an ninh dữ liệu và an toàn thông tin; trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu của Việt Nam và đạt trình độ khu vực, quốc tế có khả năng xuất khẩu được công nghệ và sản phẩm trí tuệ nhân tạo.

VNPT sẽ tận dụng tối đa nguồn lực khoa học công nghệ để đầu tư vào hạ tầng. Đặc biệt, để cho công nghệ và khoa học mới, những ý tưởng sáng tạo ra thực tiễn áp dụng ngay được cũng là một thách thức.

Ông Huỳnh Quang Liêm tin tưởng rằng, với những quyết sách rõ ràng của Chính phủ, sự chung tay của toàn xã hội, sự đồng hành của các doanh nghiệp, các đối tác trong và ngoài nước, chúng ta có thể đủ tiềm lực và quyết tâm để bứt phá, đưa các nội dung mũi nhọn về khoa học công nghệ và chuyển đổi số đến thành công.

Tổng Giám đốc Google Việt Nam Marc Woo phát biểu. Ảnh: MPI

Tham gia ý kiến từ phía doanh nghiệp nước ngoài, ông Marc Woo, Tổng Giám đốc Google Việt Nam đánh giá cao các mục tiêu khoa học công nghệ đầy tham vọng của Chính phủ Việt Nam thông qua Nghị quyết 57. Đối với Google, Việt Nam rất quan trọng và chúng tôi cam kết tiếp tục các chương trình kiến tạo cho Việt Nam với Google AI.

Nhân dịp này, lãnh đạo Google Việt Nam đã gửi lời cảm ơn đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đồng hành với các sáng kiến và đầu tư mà Google đã thực hiện trong nhiều năm qua.

Ông Marc Woo cho rằng, trí tuệ nhân tạo có nhiều bước tiến và phát triển tại Việt Nam và nhấn mạnh, Chính phủ đóng vai trò quan trọng, then chốt trong việc hỗ trợ phát triển các ứng dụng về AI; khẳng định sẵn sàng trao đổi và chia sẻ những bài học, kinh nghiệm với Chính phủ Việt Nam; mong muốn được chung tay đóng góp giúp Việt Nam tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 
 Giám đốc NVIDIA Việt Nam Vũ Mạnh Cường phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc NVIDIA Việt Nam Vũ Mạnh Cường đề cập vấn đề nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và cho rằng, cùng với các chính sách mà Chính phủ đang thực hiện để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới thì việc phát triển nguồn nhân lực tại trong nước cần được hỗ trợ của Nhà nước.

Ông cũng cho biết, hiện nay, NVIDIA đang làm việc với nhiều trường đại học trong nước và các doanh nghiệp như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, FPT… để đào tạo sinh viên.

Thông qua các kết triển khai gần trong gần hai năm qua, NVIDIA mong muốn được đào tạo số lượng lớn và chuyên sâu cho Việt Nam; đồng thời chia sẻ về phương pháp, chương trình đào tạo; chương trình hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp đặt hàng của doanh nghiệp lớn cho việc đào tạo AI và hỗ trợ giảng viên. Cần có kinh phí để có thể đào tạo số lượng lớn do việc đào tạo cho đối tượng không phải sinh viên cần trả phí cũng như trả thù lao cho giảng viên để có thể nâng cao số lượng giờ giảng dạy.

Ông cũng chia sẻ về những thành công trong việc phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; mong muốn được phối hợp với Trung tâm này trong việc triển khai, đào tạo nguồn nhân lực cũng như đồng hành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Tổng Giám đốc Trung tâm R&D Samsung Việt Nam Suk Ji-won phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Trung tâm R&D Samsung Việt Nam Suk Ji-won khẳng định, Samsung luôn nỗ lực và đầu tư cho các hoạt động đào tạo nuôi dưỡng nhân tài khoa học công nghệ tại Việt Nam; nhấn mạnh đến kết quả đào tạo phát triển nhân tài của Samsung Việt Nam trong thời gian qua và một số đề xuất đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ cao trong thời gian tới.

Thời gian qua, Trung tâm R&D Samsung Việt Nam đã trao tặng 875 suất học bổng cho sinh viên tài năng ngành CNTT, tổ chức các khóa học về lập trình cho hơn 25.000 sinh viên, tổ chức chương trình thực tập doanh nghiệp về công nghệ phần mềm và phần cứng tại Trung tâm cho khoảng 2.400 sinh viên Việt Nam.

Samsung cũng đã tài trợ phòng lab và trang bị máy tính cho các trường đại học nhằm cải thiện môi trường đào tạo CNTT, hợp tác triển khai các dự án nghiên cứu, cũng như tài trợ cho các cuộc thi lập trình dành cho sinh viên.

Samsung tổ chức cuộc thi nhằm nâng cao năng lực giải quyết vấn đề dựa trên việc vận dụng kiến thức STEM dành cho thanh thiếu niên được triển khai tại Việt Nam từ năm 2019.

Samsung đã tài trợ phòng học Chương trình Samsung Innovation Campus (SIC) tại Hòa Lạc, phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổ chức các khóa đào tạo của chương trình SIC dành cho học sinh và sinh viên.

Trong thời gian tới, Trung tâm R&D Samsung Việt Nam sẽ nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao qua việc mở rộng và chuyên môn hóa các chương trình hợp tác với các trường đại học trong hoạt động đào tạo nhân tài.

Đề xuất nhằm phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, ông Suk Ji-won cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần phải tạo dựng nguồn nhân lực chuyên môn để phát triển các lĩnh vực công nghệ cao đang nhận được sự quan tâm đặc biệt trong thời gian gần đây như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn...

Cùng với đó, Chính phủ cần ban hành những chính sách khuyến khích để tuyển dụng đội ngũ quản lý, chuyên gia nước ngoài có nhiệm vụ đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài như chính sách hỗ trợ về thị thực hay miễn giảm thuế, cũng như các chính sách hỗ trợ về nhà ở, y tế và giáo dục dành cho gia đình của các chuyên gia nước ngoài, tạo điều kiện cho họ có thể tham gia đào tạo nhân tài một cách ổn định lâu dài tại Việt Nam.

Việt Nam cũng cần cải thiện môi trường đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp FDI tích cực tham gia đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và bán dẫn.

Ông Suk Ji-won bày tỏ tin tưởng rằng, nếu chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp bằng cách đơn giản hóa thủ tục cấp phép và có những chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào các dự án công nghệ cao thì Việt Nam sẽ trở thành quốc gia trung tâm của ngành công nghệ cao trong tương lai./.



Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-2-12/Doanh-nghiep-khang-dinh-quyet-tam-trong-viec-phat-6k6qxa.aspx

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available