Không nghĩ được thưởng Tết, chị Oanh, công nhân công ty may mặc ở Linh Trung (Thủ Đức), bất ngờ khi nhận tin sẽ có thưởng vào giữa tháng 1/2024.
Chị Oanh cho biết những năm Covid-19, dịch bệnh bủa vây nhưng đơn hàng đều đặn, công nhân phải tăng ca 1-2 giờ mỗi ngày. Năm nay, đa phần công nhân tại công ty chỉ làm 8 giờ, có ngày còn được về sớm trước 2 giờ.
“Hoạt động kinh doanh èo uột, lương giảm nhưng vẫn có thưởng nửa tháng là niềm vui rất lớn với chúng tôi”, chị Oanh nói.
Mong công nhân có Tết vui vẻ, lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may ở Đồng Nai cho hay năm nay chỉ đạt 60% doanh thu so với kế hoạch và đã giảm 30% lao động nhưng cố gắng thưởng mỗi nhân viên 0,7% tháng lương. “Lợi nhuận ít ỏi, chúng tôi vẫn cân đối để chia thưởng Tết cho người lao động bởi cuối năm họ còn mua sắm, chi tiêu nhiều”, CEO công ty trên nói.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), cũng thông tin mọi năm, nhiều cá nhân có thành tích tốt được thưởng tới 2-3 tháng. Còn năm nay, mức thưởng cắt giảm nhiều. Với hơn 3.200 người lao động, công ty cố gắng có thưởng cho mỗi người tháng 13 và thêm phần từ công đoàn.
Với Tập đoàn Vinatex – doanh nghiệp có số lượng lao động lớn nhất ngành dệt may (gần 63.000 người) – năm nay mức thưởng cao nhất trong một số công ty con khoảng 2 tháng lương. Các đơn vị thành viên có doanh thu, lợi nhuận không như kỳ vọng sẽ thưởng một tháng lương thứ 13.
Đánh giá về mức thưởng Tết năm nay, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP HCM Phạm Xuân Hồng cho rằng đây là bài toán khó của doanh nghiệp trong ngành. Những công ty thua lỗ sẽ không có thưởng còn phần lớn doanh nghiệp dù chỉ đạt 50-70% kế hoạch vẫn thưởng Tết cho công nhân từ 0,5-1 tháng lương. Đây cũng là mức phổ biến của ngành này.
Theo tính toán của VnExpress, với mức lương bình quân của công nhân ngành may 8,2-9 triệu đồng một tháng, người lao động sẽ nhận thưởng thấp nhất khoảng 4 triệu đồng và cao nhất 10 triệu. Ngoài ra, với những lãnh đạo công ty, mức thưởng khoảng 20-40 triệu đồng. Mức này giảm mạnh so với các năm trước.
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, việc có thưởng cho người lao động thực sự là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), cho biết ngoài đẩy mạnh xuất khẩu, doanh nghiệp cũng “đu trend” bán hàng livestream để có thêm lợi nhuận.
Theo ông, bối cảnh đơn hàng ít nên từng hợp đồng doanh nghiệp đều phải chắt chiu. Khác với mọi năm, quý III năm nay đơn hàng giảm sâu nhưng khởi sắc trở lại từ quý IV. Nhờ linh hoạt ứng biến với các tình huống bất thường, Vinatex cũng như nhiều doanh nghiệp dệt may có thể xoay chuyển tình thế trong bối cảnh khó lường hiện nay.
“Năm nay, đơn hàng lao dốc, chúng tôi đã tìm mọi cách tạo việc làm cho người lao động nhưng vẫn phải giảm 7-8% số lượng nhân sự so với năm 2022. Dẫu vậy, so với mặt bằng chung trong ngành, công ty vẫn có lợi nhuận”, ông Việt bộc bạch
Ông Việt cũng cho biết thêm, để có được mức thưởng cho người lao động nêu trên, từ đầu năm các doanh nghiệp thành viên đã lên kế hoạch, “để dành” thu nhập, lợi nhuận với số tiền ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng.
Dự báo về tình hình dệt may năm 2024, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho hay ngành may sẽ có khởi sắc hơn từ năm sau nhờ sức cầu tăng trở lại từ nhiều thị trường, nhưng ngành sợi vẫn gặp khó khăn trong nửa đầu năm.
Trong khi đó, theo ông Phạm Xuân Hồng, ngành dệt năm sau sẽ ấm hơn vì nhu cầu mua sắm của người dân quay trở lại. Song, ngành này vẫn còn đối diện nhiều thách thức khi tình hình thế giới cũng như thị trường chưa ổn định, chiến sự trên thế giới vẫn còn kéo dài và gây bất ổn.
Thi Hà – Anh Minh