Đức Tùng, 18 tuổi, trúng tuyển ngôi trường có tỷ lệ chấp nhận chỉ 1% ở Mỹ, có thể học tập tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ, sau khi trải qua 6 bài kiểm tra cùng các yêu cầu khác.
Tùng đang là học sinh lớp 12 trường THPT Kim Liên, Hà Nội. Trong đợt xét tuyển sớm của các đại học Mỹ, Tùng nộp hồ sơ vào 11 trường. Đến nay, nam sinh nhận tin trúng tuyển 8 trường, với mức hỗ trợ tài chính dao động 11.000-59.000 USD mỗi năm (0,27-1,45 tỷ đồng), trong đó có ngôi trường em yêu thích nhất – Đại học Minerva.
“Em rất xúc động khi trúng tuyển Đại học Minerva. Lúc nộp, em không nghĩ mình được lựa chọn vì trường nổi tiếng có tỷ lệ chấp nhận thấp nhất thế giới”, Tùng nói.
Đại học Minerva là trường phi lợi nhuận có trụ sở tại San Francisco, Mỹ. Dù không nằm trong các bảng xếp hạng đại học đình đám, hàng năm, lượng hồ sơ ứng tuyển Minerva rất lớn, dẫn đến tỷ lệ chọi cao top đầu ở Mỹ và thế giới. Năm ngoái, với gần 25.000 hồ sơ, tỷ lệ trúng tuyển vào trường ở mức 1%, theo Niche – tổ chức tư vấn, kết nối sinh viên với các đại học Mỹ. Thông thường, ở các đại học top đầu, tỷ lệ này là 3-7%, nhiều đại học khác có thể nhận 15-70%.
Sinh viên của trường có 4 năm học tại 7 địa điểm, gồm San Francisco (Mỹ), Đài Bắc (Đài Loan), Seoul (Hàn Quốc), Hyderabad (Ấn Độ), Berlin (Đức), Buenos Aires (Argentina) và London (Anh). Các lớp học được giảng dạy theo phong cách hội thảo với không quá 18 sinh viên một lớp, đa dạng quốc tịch. Trường đứng đầu trên bảng xếp hạng 100 đại học sáng tạo toàn cầu 2023, theo The World University Rankings for Innovation (WURI).
“Chính sự đa dạng khiến em yêu thích Minerva. Việc được đến nhiều quốc gia sẽ giúp em có nhiều trải nghiệm hơn”, Tùng nói.
Năm lớp 10, khi đang học tại trường THPT Kim Liên, được người chị họ kể câu chuyện học tập và cuộc sống ở Mỹ, Tùng thấy thú vị và bắt đầu đặt mục tiêu du học.
Để xét tuyển vào đại học Mỹ, hồ sơ thường gồm ba phần chính: hồ sơ học thuật, bài luận và hoạt động ngoại khóa. Thời điểm nộp hồ sơ đợt xét tuyển sớm hồi tháng 10, Tùng có điểm trung bình học tập đạt 9,4, SAT 1490/1600, IELTS 7.5. Em cũng chuẩn bị một bài luận chính và 15 bài luận phụ để nộp.
Về hoạt động ngoại khóa, do bắt đầu muộn, trong trường lại không nhiều bạn bè có định hướng du học, Tùng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bên ngoài để làm hồ sơ mạnh hơn.
Nam sinh là Chủ tịch Education for Vietnamese Youth – tổ chức phi lợi nhuận giúp thanh thiếu niên Việt Nam có cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng. Tổ chức này đang hợp tác với LabXchange – nền tảng online dạy khoa học của Đại học Harvard.
Ngoài ra, Tùng là chủ tịch Hội đồng học sinh của Friends of Vietnam Heritage – tổ chức giáo dục phi lợi nhuận nhằm nâng cao nhận thức và bảo tồn các di sản, văn hóa Việt Nam. Em từng tham gia 11 chương trình mô phỏng Liên Hợp Quốc với nhiều vai trò như đại biểu, chủ tọa, tổng thư ký, tìm hiểu được kiến thức về kinh tế, chính trị, xã hội của nhiều nước.
Những thành tích trên đủ để Tùng xét tuyển vào nhiều trường nhưng quy trình tuyển sinh của Đại học Minerva khiến Tùng cần nhiều hơn thế.
Thay vì nộp bài luận, Tùng phải làm bài kiểm tra gồm 6 phần. Phần 1 là “Understanding” với một bài đọc cùng 7 câu hỏi, làm trong 7 phút. Phần 2 là “Creativity” kéo dài 8 phút với đề bài yêu cầu tư duy sáng tạo và khả năng liên tưởng tốt. Phần 3 là “Math” gồm 20 câu Toán làm trong 8 phút, có độ khó tương đương lớp 11 ở Việt Nam trở xuống và không cho phép dùng máy tính cầm tay.
Ba phần còn lại gồm “Critical Reasoning” với 13 câu hỏi IQ làm trong 21 phút; “Writing” yêu cầu viết một bài xử lý tình huống trong 20 phút; “Expression” kiểm tra kỹ năng nói về trải nghiệm của bản thân và hiểu biết về trường với 5 câu hỏi, mỗi câu có 15 giây chuẩn bị và nói trong 2 phút.
“Em chưa làm bài kiểm tra nào toàn diện như vậy trước đó”, Tùng nói. Sau bài này, Tùng còn phải chia sẻ 6 thành tích được cho là ấn tượng nhất, mô tả về tầm ảnh hưởng của nó và nộp minh chứng.
Chị Hồng Vũ, Giám đốc Trung tâm tư vấn du học Hola Academy, đánh giá cách tuyển sinh của Đại học Minerva nhằm chọn lựa những học sinh trân trọng sự đa dạng, chủ động thay đổi, thích nghi và có khả năng kết nối cộng đồng để tạo ra những giá trị chung.
“Vì vậy, đề thi của trường này thay đổi mỗi năm để đảm bảo học sinh hoàn toàn bộc lộ được hết khả năng sáng tạo và tư duy của bản thân, thay vì luyện tập trước”, chị Hồng Vũ nói.
Hỗ trợ Tùng trong quá trình làm hồ sơ, chị đánh giá Tùng biết tiếp thu ý kiến và luôn sáng tạo. Em luôn là người đặt nhiều câu hỏi nhất và rất cẩn thận, cầu toàn khi làm bất cứ việc gì. Là người đứng đầu nhiều dự án, câu lạc bộ, Tùng biết kết nối mọi người và hoàn thành công việc với tư duy cả nhóm cùng thực hiện thay vì chỉ tập trung vào năng lực của bản thân.
“Sự thể hiện của Tùng cho thấy em phù hợp với các tiêu chí mà trường Minerva mong muốn”, chị Hồng nói.
Nhìn lại quá trình ứng tuyển, Tùng nói học hỏi được nhiều điều và có những trải nghiệm thú vị. Chẳng hạn, em bắt đầu chậm, gặp nhiều thử thách nhưng đổi lại học được cách sắp xếp thời gian.
Hiện, Tùng dành thời gian tìm hiểu sâu hơn về một số ngành học, đồng thời rèn luyện các kỹ năng để dễ thích nghi khi học tập ở nhiều quốc gia trong thời gian tới.