Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ, Bộ Giáo dục Mỹ và Hội đồng Anh là một số tổ chức nổi bật được cho là có nguy cơ dừng hoạt động trong thời gian tới. Điều này ảnh hưởng thế nào tới cơ hội du học của người Việt?
TÀI TRỢ NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG, HỖ TRỢ TÀI CHÍNH
Tuần qua, công luận xôn xao trước tin Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh đóng băng mọi chương trình viện trợ nước ngoài trong vòng 90 ngày, sau đó là tạm dừng hoạt động Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Ngày 2.2, trụ sở chính của USAID đặt tại thủ đô Washington D.C cũng bị đóng cửa. Đến ngày 7.2, hầu hết nhân viên trên thế giới của tổ chức này đã được cho "nghỉ phép hành chính".
USAID VN ngừng đăng tin mới trên các trang mạng xã hội chính thức tại VN như Instagram, Facebook từ ngày 28 và 29.1
Một diễn biến đáng chú ý khác là Hội đồng Anh, tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và cơ hội giáo dục của Anh, đối diện nguy cơ "biến mất" trong một thập niên tới, theo Giám đốc điều hành Scott McDonald. "Đại dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào công việc kinh doanh của chúng tôi, và như nhiều tổ chức khác, tình hình kinh tế thế giới hiện nay tiếp tục gây khó cho quá trình phục hồi", ông McDonald viết trên mạng xã hội X.
Cả Hội đồng Anh lẫn USAID đều đã hoặc đang hoạt động và đặt văn phòng đại diện tại VN, tài trợ nhiều chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính người Việt du học và hợp tác nghiên cứu ở nước ngoài. Trong đó, USAID hợp tác với Chính phủ, khu vực tư nhân, trường ĐH và tổ chức nghiên cứu tại VN cũng như các bên liên quan khác từ năm 1989 nhằm thúc đẩy các ưu tiên chung, theo website của Đại sứ quán Mỹ tại VN.
Đặc biệt, USAID hiện tài trợ cho dự án Hợp tác đổi mới giáo dục ĐH (PHER) vốn kéo dài đến năm 2026, có sự tham gia của 3 ĐH trọng điểm là Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP.HCM, Đà Nẵng. Đây là sáng kiến của USAID nhằm cải tiến giáo trình, phương pháp giảng dạy, từ đó giúp hiện đại hóa các trường ĐH. USAID cũng hỗ trợ Bộ GD-ĐT thông qua dự án Hỗ trợ chính sách phát triển giáo dục ĐH VN (HEPS), vốn thực hiện tới 2028.
Tuy nhiên, website của USAID VN hiện đã bị gỡ, và cơ quan này cũng ngừng đăng tin mới trên các trang mạng xã hội chính thức tại VN như Instagram, Facebook từ ngày 28 và 29.1.
Trong khi đó, Hội đồng Anh hiện quản lý các chương trình học bổng danh giá của chính phủ Anh và các đối tác, trường ĐH như GREAT, Women in STEM, IELTS Prize... Ngoài ra cơ quan này cũng chịu trách nhiệm đồng tổ chức kỳ thi IELTS ở VN và có nhiều hoạt động đáng chú ý khác trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và giáo dục. Tổ chức này cũng đang tham gia thị trường đào tạo tiếng Anh tại VN.
Các chuyên gia trong và ngoài nước tham dự buổi ra mắt báo cáo về tiềm năng trở thành điểm đến giáo dục quốc tế mới ở Đông Nam Á của VN do Hội đồng Anh tổ chức
BIỆN PHÁP CỦA HỘI ĐỒNG ANH
Chia sẻ với Thanh Niên, ông James Shipton, Giám đốc Hội đồng Anh tại VN, cho biết VN là quốc gia ưu tiên hàng đầu của Hội đồng Anh, nơi đơn vị duy trì các mối quan hệ sâu sắc và bền chặt trong hơn 30 năm qua. "Chúng tôi không nghĩ hoạt động của Hội đồng Anh ở VN sẽ có bất kỳ thay đổi lớn nào", ông Shipton chia sẻ về tương lai của tổ chức tại VN.
Ông Shipton nói thêm Hội đồng Anh đang thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo tính bền vững về tài chính trong dài hạn, bao gồm đề nghị chính phủ Anh có hành động nhanh chóng để giúp giảm gánh nặng cho khoản vay trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và áp lực từ việc cắt giảm các khoản tài trợ trong một thập niên qua. Tổ chức cũng tiếp tục xem xét các phương án về cơ cấu trong tương lai ở tất cả các cấp từ quốc gia, khu vực đến toàn cầu.
"Bằng mọi giá, chúng tôi sẽ tránh việc phải chấm dứt sự hiện diện của mình tại một số quốc gia. Tuy nhiên, nếu không nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ, chúng tôi bắt buộc phải xem xét đến tình huống này. Chúng tôi đang ở những bước đầu tiên của quá trình và còn quá sớm để có thể chia sẻ thêm thông tin vào thời điểm này", ông Shipton nói thêm.
DU HỌC MỸ CÓ THỂ BỊ ẢNH HƯỞNG
Ở Mỹ, ngoài USAID, một cơ quan khác là Bộ Giáo dục Mỹ (DE) cũng đối mặt với nguy cơ giải thể hoặc tinh giản bộ máy, điều mà Tổng thống Trump từng cam kết thực hiện trong chiến dịch tranh cử. Mới đây nhất, CNN dẫn một số nguồn thạo tin tiết lộ Tổng thống Mỹ đang soạn một sắc lệnh hành pháp nhằm khởi động kế hoạch loại bỏ DE, dự kiến ban hành vào cuối tháng 2.
Chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm, mảng phát triển chương trình giáo dục quốc tế, cho biết nếu giải thể DE, người Mỹ bị ảnh hưởng trước tiên bởi cơ quan này đang phân phối 3 nguồn tiền là federal grant (chi hỗ trợ tài chính liên bang, khoảng 100 tỉ USD), federal work-study (chi cho chương trình vừa học vừa làm, khoảng 1 tỉ USD) và federal students loans (nợ tín dụng vay để học, nghiên cứu ở các ĐH, trị giá hơn 1,7 ngàn tỉ USD).
Ông Tâm lưu ý các số liệu trên chỉ là thông tin dự báo, song có thể thấy nguồn tiền này tác động đáng kể đến khả năng tài chính của các ĐH Mỹ, dù trường có cơ cấu dòng tiền từ các nguồn khác (như học phí, quỹ tài trợ cá nhân, quỹ cộng đồng) lớn hơn từ quỹ phân phối bởi DE. "Về cơ bản chính sách giải thể không chỉ nhằm cắt giảm số tiền, mà còn để chuyển giao tiền cho một đầu mối khác phân phối hiệu quả hơn", ông Tâm nói.
Đại diện trường ĐH Mỹ tư vấn cho phụ huynh, học sinh
Từ thực tế nêu trên, với du học sinh Việt, bị ảnh hưởng lớn nhất sẽ là cơ hội nhận học bổng và hỗ trợ tài chính. Trong kịch bản DE giải thể, cơ quan quản lý khác thắt chặt điều kiện giải ngân thì hội đồng trường ĐH buộc phải cân đối lại nguồn tài trợ. "Về việc này, các trường đều có thông báo chính thức tới giảng viên, nghiên cứu sinh hiện hữu", ông Tâm chia sẻ.
Cũng theo ông Tâm, các nguồn vốn đã được phân bổ sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những loại học bổng và hỗ trợ tài chính xét duyệt từng năm có thể bị ảnh hưởng nếu DE giải thể, còn các học bổng có cam kết bằng văn bản về điều kiện nhận hiện vẫn an toàn. "Các bạn đang ứng tuyển cần chuẩn bị tâm thế đối phó linh hoạt, bởi các trường hoàn toàn có thể tạm ngừng xét duyệt trong thời gian chờ chính sách cụ thể", ông Tâm khuyên.
Chuyên gia giáo dục cũng nêu quan điểm rằng dưới thời Tổng thống Trump, trường ĐH, nhất là khối ĐH công lập tiểu bang sẽ đẩy mạnh tuyển sinh sinh viên quốc tế ở các nước phát triển. Còn học bổng, hỗ trợ tài chính sẽ ngày càng cạnh tranh. "Bậc cử nhân có thể ít bị ảnh hưởng hơn bậc thạc sĩ, tiến sĩ..., vì ở cấp học cao hơn thì điều kiện nhận tài trợ có thể ngặt nghèo hơn nếu cơ quan chủ quản không có chuyên môn đánh giá", ông Tâm phân tích.
Song tất cả nhận định trên chỉ là dự đoán, theo ông Tâm, vì Tổng thống Trump có thể ký sắc lệnh hành pháp để giải thể DE nhưng sau đó cần thông qua tiến trình chính sách có sự tham gia của lập pháp và tư pháp.
Một xu hướng đáng chú ý khác là chính phủ nhiều nước đang có ý định hoặc đã cắt giảm nguồn ngân sách cho giáo dục ĐH trong thời gian qua như Úc, Anh, Na Uy, Hà Lan... Theo giới quan sát, điều này không chỉ khiến các trường tăng học phí mà còn giảm học bổng và hỗ trợ tài chính để cân đối nguồn thu, nhất là ở các đơn vị đang phụ thuộc nhiều vào nguồn ngân sách từ chính phủ.
Nhiều cơ hội học bổng công
Trong bối cảnh biến động, nhiều nước, vùng lãnh thổ vẫn đang mở cổng nhận đơn ứng tuyển học bổng toàn phần từ VN như bình thường. Riêng trong tháng 2, chính phủ Singapore bắt đầu nhận đơn học bổng ASEAN từ ngày 10. Trước đó, vào ngày 1.2, chính quyền Đài Loan và chính phủ các nước Úc, New Zealand đồng loạt mở cổng đăng ký chương trình học bổng toàn phần từ bậc cử nhân đến sau ĐH, tùy điểm đến.
Một số chương trình tài trợ ở Mỹ hiện vẫn duy trì
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, một số chương trình học bổng của chính phủ Mỹ hiện chưa bị ảnh hưởng sau các động thái gần đây của nước này như học bổng Fulbright, học bổng YSEALI. "Hiện ban tổ chức chưa có thông báo gì về việc cắt giảm chương trình mà tôi sẽ tham gia. Tôi cũng không thấy các anh chị chung khóa đề cập việc này", một tân học giả YSEALI dự kiến đến Mỹ trong thời gian tới chia sẻ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nguy-co-nhieu-to-chuc-quoc-te-dung-hoat-dong-co-anh-huong-hoc-bong-du-hoc-185250209175204446.htm
Bình luận (0)