Giá trị dinh dưỡng của lá bạc hà
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của ThS.BSNT Trần Tiến Tùng cho biết, cây bạc hà (húng bạc hà, húng cay) thuộc họ Hoa môi, thân thẳng và xốp, có thể bò lan trên đất, chiều dài cao nhất có thể đến 60cm. Lá cây bạc hà mọc đơn, hình bầu dục, mép lá có răng cưa, đầu tròn. Trong thành phần của lá bạc hà có tinh dầu với mùi hắc, vị hơi tê và cay nhẹ.
Bạc hà ra hoa vào tháng 7 – 10, hoa nhỏ, tùy từng cây mà màu cánh hoa có thể là tím, hồng hoặc trắng. Quả bạc hà gồm 4 hạt. Loài cây này chủ yếu có mặt ở vùng khí hậu ôn đới. Tại Việt Nam, cây bạc hà được trồng nhiều ở Yên Bái, Lai Châu, Nghệ An.
Cây bạc hà chứa các thành phần vitamin A, chất chống viêm flavonoid, chống oxy hóa và vitamin A vừa tốt cho mắt vừa tốt cho sức khỏe. Đây cũng là loài cây chứa các dưỡng chất như chất xơ, vitamin C, sắt, photpho, B3, B2, B1… Đặc biệt, thành phần tinh dầu trong cây bạc hà chiếm tới 0,5 – 1,5%.
Lá bạc hà chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng thực vật, đồng thời chứa vitamin A, vitamin C, phức hợp B, phốt pho, canxi, đặc biệt có đặc tính chống vi khuẩn. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dầu làm từ lá bạc hà có thể rất hiệu quả. Trên thực tế, nó có tác dụng chống lại 22 chủng vi khuẩn và 11 chủng nấm.
Lá bạc hà còn giàu chất sắt, kali, mangan giúp cải thiện nồng độ huyết sắc tố và thúc đẩy chức năng não. Lá bạc hà có lượng calo thấp, chứa một lượng protein và chất béo tối thiểu. Hai thìa bạc hà chứa 0,4 g protein, 0,9 g carbohydrate, 0,8 g chất xơ, 1,5 mg vitamin C, 22,4 mg canxi, 6,8 mg phốt pho và 51,5 mg kali cùng một số chất dinh dưỡng khác.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn uống nước lá bạc hà mỗi ngày?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời TS. Nguyễn Đức Quang – nguyên Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu thực nghiệm Viện Y học cổ truyền quân đội cho biết, dưới đây là một số lợi ích của lá bạc hà với sức khoẻ:
Điều trị cảm lạnh thông thường
Bạc hà được biết đến với công dụng làm thông mũi, họng, phế quản và phổi. Ngoài ra, đặc tính chống viêm của bạc hà cũng làm giảm kích ứng do ho mạn tính, chống chọi cảm lạnh, khó tập trung bằng các loại thuốc xoa bóp, dầu bạc hà.
Cải thiện hô hấp
Lá bạc hà được khuyên dùng cho bệnh nhân hen suyễn vì nó có tác dụng như một chất thư giãn tốt và làm giảm tắc nghẽn ngực. Tiêu thụ lá bạc hà hàng ngày có thể mang lại tác dụng làm dịu cho bệnh nhân hen suyễn.
Bạc hà được biết đến có tác dụng làm thông mũi, tinh dầu bạc hà có thể giúp thở dễ dàng hơn rất nhiều. Nó cũng làm giảm sự kích ứng do ho mạn tính.
Chăm sóc răng miệng
Nhai lá bạc hà sau bữa ăn giúp hơi thở thơm mát do có đặc tính diệt khuẩn. Chiết xuất lá bạc hà có thể giúp làm sạch mảng bám trên răng. Kem đánh răng, nước súc miệng hoặc kẹo cao su chứa tinh dầu bạc hà ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trong miệng và giữ cho khoang miệng sạch sẽ.
Có tác dụng bổ não
Lá bạc hà có tác dụng bổ não. Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, tiêu thụ bạc hà có thể làm tăng sự tỉnh táo và chức năng nhận thức. Lá bạc hà cải thiện sức mạnh trí nhớ và sự tỉnh táo về tinh thần.
Tăng cường khả năng miễn dịch
Bạc hà chứa đầy vitamin và chất chống oxy hóa để cải thiện khả năng miễn dịch. Những vitamin có nguồn gốc thực vật này giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại. Ngoài ra, lá bạc hà còn góp phần ngăn chặn sự hình thành khối u bằng cách ức chế một số enzyme.
Giảm căng thẳng và trầm cảm
Bạc hà là phần thiết yếu của liệu pháp mùi hương. Mùi hương mạnh mẽ và sảng khoái từ bạc hà giúp giảm căng thẳng. Bằng cách hít thở hương thơm của bạc hà, tâm trí sẽ được bình tĩnh hơn.
Bạn có thể thêm bạc hà vào trà, sử dụng chiết xuất bạc hà trên máy xông hơi hoặc tắm bạc hà để giảm căng thẳng và trầm cảm.
Giúp giảm đau khi cho con bú
Nhiều bà mẹ cho con bú thường bị đau, nứt núm vú, khiến việc cho con bú trở nên đau đớn và khó khăn. Bằng chứng tiết lộ rằng bôi tinh dầu bạc hà có giá trị trong việc giảm đau, chữa lành vết đau và nứt núm vú.
Tốt cho quá trình giảm cân
Lá bạc hà đóng một vai trò thiết yếu trong việc giảm cân một cách lành mạnh. Lá bạc hà thúc đẩy quá trình tiêu hóa và tăng cường trao đổi chất để giúp giảm cân. Trà bạc hà là một loại đồ uống giải khát không chứa calo tuyệt vời để thúc đẩy quá trình giảm cân.
Lưu ý khi chữa bệnh bằng cây bạc hà
– Không dùng cây bạc hà để chữa bệnh cho các trường hợp: táo bón, cao huyết áp, thai phụ, suy nhược cơ thể, bị sốt không rõ nguyên nhân, trào ngược dạ dày thực quản, tiền sử dị ứng.
– Không dùng tinh dầu bạc hà trên vết thương hở và tránh để tinh dầu tiếp xúc với mắt.
– Menthol hoặc tinh dầu bạc hà nếu tiếp xúc với mũi hoặc cổ họng có thể gây ngưng tim cho trẻ nhỏ nên không được dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi.
Sử dụng cây bạc hà chữa bệnh về cơ bản là an toàn. Một số trường hợp có thể gặp các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, ợ chua, khô miệng.
Xét tổng thể, cây bạc hà có nhiều thành phần tốt cho sức khỏe và là dược liệu lành tính để chữa bệnh. Hiện chưa có nghiên cứu nào về khả năng tương tác thuốc của bạc hà với các thảo dược khác hay các loại thuốc Tây. Vì thế, việc chữa bệnh bằng cây bạc hà vẫn cần có sự hướng dẫn từ bác sĩ có chuyên môn để đạt hiệu quả và tránh gặp tác dụng phụ.
Nguồn: https://vtcnews.vn/dieu-gi-se-xay-ra-neu-ban-uong-nuoc-la-bac-ha-moi-ngay-ar903744.html