Trên đường về nhà, ghé mua mâm lễ từ dịch vụ làm sẵn ở thị trấn, tôi chạy xe nhanh để kịp sắp lễ cúng mẹ trước giờ ngọ. Từ khi mẹ mất, tôi có cảm giác như bị lạc trôi giữa dòng đời. Sau sinh nhật lần thứ 18, tôi bỏ nhà lên phố làm ăn, tự bươn chải cuộc sống. 7 năm qua, mỗi năm chỉ duy nhất ngày giỗ mẹ, tôi mới về nhà, còn lại bặt tăm, không đoái hoài đến căn nhà đã từng vỗ về, chiều chuộng tôi cho dù bố năn nỉ, thuyết phục đủ điều.
Ánh nắng xuyên qua từng kẽ lá trong veo đến lạ thường. Từ ngoài hiên nhìn vào, chợt thấy bóng dáng dì Ngân đang hì hụi trong bếp, tôi như mường tượng ra dáng mẹ ngày nào. Thật lạ, một cảm giác gần gũi len lỏi trong tôi, nhưng giây phút mơ hồ ấy ngay lập tức vụt tắt bởi lời nói của dì: “Con về rồi à, dì đã sắp đủ lễ để làm giỗ mẹ con, con yên tâm”. Vẫn giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp yêu thương của dì dành cho tôi, dù tôi có thô lỗ, cộc cằn, đối xử với dì đúng kiểu mẹ kế “khác máu tanh lòng”. Qua bao năm, trong lòng cũng nguôi ngoai đôi chút nhưng tôi vẫn cố buông thõng: “Không cần ông bà bận tâm, tôi tự lo được” như để tự thoải mái lòng mình.
Cuộc đối thoại ấy, bố tôi đứng ngoài nghe trọn vẹn và như mọi lần ông khẽ thở dài… Chợt ánh mắt ông ánh lên niềm tin như thể đã hiểu ra chỉ có sự thật mới hóa giải mọi khúc mắc trong đứa con duy nhất của ông, và cũng chỉ có làm như vậy thì tổ ấm này mới thực sự vững bền, hạnh phúc.
Vẻ mặt cương nghị, ông lại gần tôi và nói “Bố con mình làm ván cờ nhé”. Thú vui gắn kết tình bố con ấy đã bị bỏ lỡ bao năm qua, khiến lần này tôi không thể chối từ. Ông biết mỗi khi chơi cờ, cả hai bố con đều có thể trải lòng tâm sự nhưng thời gian qua vì ông muốn tôi có được cuộc sống tròn vẹn, không bị tác động tâm lý từ chuyện của mẹ nên đành chọn cách im lặng.
Chậm rãi đi từng nước cờ, ông trầm giọng kể cho tôi nghe về nguyên nhân mẹ bỏ đi và sau đó ra đi mãi mãi trong vụ tai nạn giao thông. Ông nói, bố mẹ cưới nhau qua mai mối khi cả hai đã lớn tuổi và mẹ là người miền trong đã “rất dũng cảm” vượt hàng ngàn cây số ra Bắc làm dâu. Sau khi sinh tôi, tưởng rằng đứa con trai là sợi dây gắn kết gia đình thêm bền chặt nên bố càng ra sức làm lụng, những mong vợ con không chịu cảnh túng thiếu.
Thế nhưng khi tôi lên 5 tuổi cũng là lúc mối tình đầu của mẹ đi xuất khẩu lao động về, vì hai người quá thương nhớ nhau nên đã cùng bỏ vào miền Tây sinh sống, lập nghiệp và bặt tăm từ đó. Cho đến khi mẹ bị tai nạn qua đời, bố tôi cũng chỉ nhận được tin nhắn thông báo. Nhà ngoại điều kiện quá khó khăn nên thi thoảng mới gọi điện hỏi thăm cháu. Sau này ông bà già yếu việc thăm hỏi cũng thưa dần, vì thế mà tình cảm càng thêm xa cách.
Thương bố tôi cảnh “gà trống nuôi con” và cũng bởi mến con trẻ nên dì Ngân xóm bên đã chấp nhận về chung nhà để chăm sóc, yêu thương bố con tôi mà không đòi hỏi bất cứ điều gì dù chỉ là mâm cỗ ra mắt họ hàng. Bố tôi thấy dì thật lòng quan tâm, chăm lo cho con chồng nên càng yêu mến dì nhiều hơn. Dì Ngân đối đãi với bố con tôi bằng cả tấm chân tình, vậy mà bao năm qua đã phải nén ấm ức rằng “giật chồng” người khác, chịu bao gằn hắt, móc nhiếc, cay nghiệt từ tôi.
Dần hiểu ra mọi chuyện nhưng “vỏ bọc lông nhím” bên ngoài khiến tôi - đứa trẻ trước giờ dành tình yêu thương nhiều nhất cho mẹ, nghĩ mẹ vì bố “hai lòng” mà chịu thiệt thòi - không cho phép mình chấp nhận sự thật quá đỗi nghiệt ngã ấy. Tôi vùng dậy dắt xe, lao ra khỏi nhà như thể trốn chạy.
Tôi phải làm sao với những gì mình đã làm, liệu vết rạn nứt do tôi gây ra còn có thể hàn gắn? Câu hỏi ấy cứ vang vọng trong đầu, thậm chí len lỏi vào cả giấc ngủ khiến tôi day dứt mãi. 11 giờ đêm, sau một hồi đánh vật với mớ suy nghĩ hỗn độn, tôi vội lên xe vượt hơn trăm cây số chạy về nhà như thể nếu không về ngay thì sẽ chẳng có cơ hội nào nữa. Đêm nay trời trở gió, đi được một đoạn bỗng thấy lất phất hạt mưa, mặc kệ tôi vẫn bon bon trên đường, bởi so với sự ghẻ lạnh, lời nói cay nghiệt như xát vào lòng bố và dì trong bao năm qua thì bị gió mưa quất vào mặt đã là gì. Nghĩ vậy, tôi càng phóng xe nhanh hơn.
Đồng hồ điểm 1 giờ 30 phút cũng là lúc tôi về đến nơi. Căn nhà yên ắng vô cùng, tĩnh tâm lại tôi nhẹ nhàng mở cổng, thật không ngờ mọi thứ vẫn như cũ, tất cả mật mã trong nhà đều là ngày sinh của tôi. Tôi tiến đến định bước vào phòng ngủ của mình, nhưng bỗng sững lại bởi cuộc trò chuyện của bố và dì phát ra từ bên trong. “Tôi chỉ thương mình, một lòng chăm lo cho chồng và con riêng của chồng, vậy mà lại chịu mang tiếng xấu”. “Thằng Quân là con của cả tôi nữa, chưa giây phút nào tôi không coi nó là con mình, sớm muộn nó cũng sẽ hiểu lòng tôi”.
Như không thể chờ thêm, tôi đẩy cửa bước vào: “Bố, dì, con… xin lỗi. Tất cả tại con, bố và dì luôn yêu thương con, mà con chỉ gây lỗi lầm. Từ giờ, chúng ta sẽ là một gia đình hạnh phúc, có được không ạ!”.
Sau câu nói ấy là những cái ôm thật chặt, những tiếng khóc vỡ òa vì hạnh phúc và trên hết là lời hối hận của tôi đã không quá muộn màng. Tôi mừng vì đã kịp nhận ra, đã kịp giành lại được hạnh phúc gia đình cho chính mình và cho cả bố - người luôn yêu thương tôi hết mực.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp. |
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/171455/loi-hoi-han-khong-muon-mang
Bình luận (0)