Đây là phương châm cũng như kim chỉ nam hành động của tất cả Điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 nói chung và Điều dưỡng khoa Nội Tim mạch – Viện Tim mạch nói riêng trong suốt hành trình đồng hành cùng “trái tim” người bệnh.
Trong những năm qua, công tác Điều dưỡng của Khoa Nội Tim mạch được đội ngũ điều dưỡng luôn thực hiện tốt các phong trào thi đua của bệnh viện, phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo đó, trong công tác chuyên môn đối với chăm sóc người bệnh, đội ngũ điều dưỡng đã thực hiện và áp dụng triển khai mô hình chăm sóc người bệnh thu được nhiều kết quả, tạo niềm tin cho người bệnh và người nhà người bệnh, đồng thời khẳng định vai trò của cán bộ điều dưỡng trong việc chăm sóc, điều trị bộ đội và nhân dân, đem lại sự hài lòng của người bệnh.
Điều dưỡng là nghề “làm dâu trăm họ” bởi hằng ngày, hằng giờ phải tiếp xúc với người bệnh để nhận định những triệu chứng của họ. Ngoài ra, mỗi nhân viên điều dưỡng còn phải thực hiện y lệnh điều trị, phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, chăm sóc và điều trị người bệnh. Đặc biệt, những ca bệnh nặng, điều dưỡng luôn phải chăm sóc toàn diện, liên tục; không chỉ chăm sóc về bệnh tật mà còn chăm sóc về tinh thần… Mỗi khi nhìn ánh mắt buồn bã của người bệnh, ở giai đoạn cuối, bất kỳ một điều dưỡng nào cũng trăn trở là làm sao để giải thích và động viên cho người bệnh, thân nhân của họ yên tâm hơn. Thật hiếm có nghề nào, buộc con người phải vượt qua giới hạn về tình thương yêu và sự chai lì, trước những hoàn cảnh khó khăn cũng như đối mặt những thách thức như vậy.
Điều dưỡng Khoa Nội Tim mạch chăm sóc người bệnh. |
Với khối lượng công việc lớn tại Khoa Nội Tim mạch, cùng với đội ngũ bác sĩ của khoa, mỗi điều dưỡng viên của khoa chịu áp lực lớn, trực tiếp nhất, liên quan tới tính mạng của bệnh nhân. “Chúng tôi tâm niệm, mỗi ngày trao yêu thương sẽ nhận lại yêu thương, đây là động lực, để phấn đấu hết lòng vì người bệnh. Chăm sóc cho người bệnh tốt, là mong muốn chung của toàn khối điều dưỡng”, chị Hiến, Điều dưỡng trưởng Khoa Nội Tim mạch của bệnh viện chia sẻ.
Đặc biệt, thời gian cao điểm dịch Covid-19 trước đây, khi đó phải thực hiện chỉ thị 4 tại chỗ, kéo dài từ 1 đến 2 tuần nhưng các điều dưỡng của khoa đã thay phiên nhau gác lại cuộc sống, cảm xúc riêng, để thực hiện nhiệm vụ trung tâm của đơn vị trong tình hình mới. Lúc đó, ai cũng có những lo lắng cho gia đình, nhưng vài phút chạnh lòng đi qua, tất cả điều dưỡng lao vào công việc, với quyết tâm cao, chăm sóc, điều trị người bệnh, bảo đảm an toàn trong dịch bệnh.
Chăm sóc bệnh nhân trong thời điểm cao điểm dịch Covid-19. |
Chia sẻ về một kỷ niệm khó quên trong quá trình công tác của mình, chị Nguyễn Thanh Hải, Điều dưỡng viên khoa Nội Tim mạch kể: “Năm 2021 trong kíp trực của tôi đúng vào đêm 30, mọi người đang chuẩn bị đón giao thừa thì nhận một ca cấp cứu, là một bác thương binh. Lúc đó chúng tôi tập trung cấp cứu, không còn nghĩ gì tới thời khắc năm mới nữa. Thật buồn là dù cố gắng hết sức nhưng chúng tôi vẫn không thể cứu chữa được cho bác”. Tuy chiến tranh đã lùi xa, nhưng dịch Covid-19 chính là “giặc’’ vô hình, lấy đi rất nhiều sức khỏe và tính mạng của nhân dân, đồng chí, đồng đội. Chính vì thế, chúng tôi luôn tâm niệm cùng nhau cố gắng, không quản ngại khó khăn, để vượt qua mọi thử thách, bảo vệ sức khỏe của bộ đội và nhân dân. “Chúng tôi tự hào, hạnh phúc khi là những người thầy thuốc mặc áo lính”.
Khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, người điều dưỡng Khoa Nội Tim mạch luôn sẵn sàng cho mọi chăm sóc y tế, cùng người bệnh vượt qua những cơn đau và sự mệt mỏi trong quá trình điều trị. Nhân dịp kỷ niệm 67 năm thành lập Khoa Nội Tim mạch (27-6-1956/27-6-2023), chúng tôi những điều dưỡng viên Khoa Nội Tim mạch luôn nhắc nhở nhau tận tâm, tận tình trong công tác chăm sóc người bệnh, dành tình yêu và tinh thần trách nhiệm với nghề, đồng thời không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ để hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
PHƯƠNG DUNG – THU HUYỀN