Chiều 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị định số 37/2019 thì Quy hoạch sử dụng đất quốc gia có 28 chỉ tiêu sử dụng đất.

Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định số 102/2024, quy hoạch sử dụng đất quốc gia chỉ còn xác định 2 chỉ tiêu sử dụng đất theo nhóm đất và 6 chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất.

BoTN MT.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân. Ảnh: QH

Cụ thể là chỉ tiêu sử dụng nhóm đất nông nghiệp, trong đó xác định chỉ tiêu cụ thể của 4 loại đất: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Chỉ tiêu sử dụng nhóm đất phi nông nghiệp, trong đó xác định chỉ tiêu cụ thể của 2 loại đất: đất quốc phòng, đất an ninh. Các chỉ tiêu còn lại được xác định trong phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai của quy hoạch tỉnh.

Ngoài ra, ông Ngân cũng cho hay hiện nay, Trung ương Đảng đã cho chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với quy mô sử dụng đất khoảng 10.827 ha (dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15) dẫn đến tăng nhu cầu sử dụng đất cho các công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia.

Thêm vào đó, quy hoạch tỉnh của 61 tỉnh, thành đã được phê duyệt, trên thực tế đã tuân thủ nghiêm ngặt chỉ tiêu sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Tuy nhiên, nhiều địa phương đề xuất nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 có sự tăng, giảm khá lớn.

Từ thực tế này, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, nếu quy hoạch sử dụng đất quốc gia không được điều chỉnh, bổ sung sẽ làm giới hạn nhu cầu sử dụng một số loại đất cụ thể tại các địa phương, gây khó khăn trong việc triển khai những dự án trọng điểm quốc gia, dự án có khả năng thu hút đầu tư.

Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15.

Cụ thể là điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: Nhóm đất nông nghiệp, trong đó có: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên; nhóm đất phi nông nghiệp, trong đó có: đất quốc phòng, đất an ninh.

Làm lương thực thì người dân không khá nổi

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy đề xuất của Chính phủ là phù hợp với yêu cầu của Quốc hội, nhất là trong bối cảnh nước ta đang chuẩn bị triển khai một số dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông như dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Do vậy, cơ quan thẩm tra tán thành sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia vì các căn cứ và nội dung như tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá một cách toàn diện, làm rõ hơn nữa nguyên nhân, đề xuất giải pháp để cải thiện hiệu quả thực hiện quy hoạch này.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ đánh giá tác động của chính sách, pháp luật đến việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất; rà soát kỹ lưỡng nhu cầu sử dụng đất của địa phương và có phương án phân bổ phù hợp; lưu ý việc giữ diện tích đất trồng lúa, độ che phủ rừng…

Letantoi 1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: QH

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới đề nghị nghiên cứu đất trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.

“Tôi suy nghĩ rằng, trồng lúa rất là tốt nhưng không có đất nước, vùng nào giàu lên do trồng lúa hết mà phải phát triển công nghiệp và dịch vụ khác”, ông Lê Tấn Tới nói.

Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị điều chỉnh phân bổ hợp lý đất trồng lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các vùng khác và phù hợp phát triển kinh tế của cả nước.

“Thời bao cấp, khoảng năm 1980, cả nước đang thiếu lương thực, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nơi làm lương thực cứu các nơi thoát đói. Nhưng mấy chục năm qua, người dân ở đây vẫn nghèo, làm lương thực thì người dân không khá nổi”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh phân tích.

Quy hoạch để sử dụng hiệu quả

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia là phải tuân thủ theo quy định về rà soát điều chỉnh quy hoạch; đảm bảo nhu cầu sử dụng đất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội; phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

“Các đồng chí biết đất không nở, có bao nhiêu đó thôi, làm sao quy hoạch để sử dụng hiệu quả. Ông bà ta nói tấc đất là tấc vàng. Làm sao sử dụng đất cho hiệu quả, đảm bảo cho phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

tranthanhman1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH

Trong đó, đảm bảo yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, an ninh lương thực, nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng, hệ sinh thái; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trong có đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

“Nước ta từ mấy chục năm nay vấn đề an ninh lương thực hết sức quan trọng. Vì sao chúng ta giữ đất trồng lúa dù lời không nhiều là vì an ninh lương thực quốc gia, đóng góp an ninh lương thực quốc tế”, ông Mẫn phân tích thêm.

Vì vậy, bất cứ giá nào trong quy hoạch sử dụng đất cũng phải tính đến an ninh lương thực, nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng, hạn chế chặt phá rừng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thông tin thêm, sau khi có kết luận của Bộ Chính trị về đường sắt tốc độ cao, chắc chắn đất giao thông quốc gia sẽ tăng lên rất nhiều, trong khi đó các lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế có nhu cầu về đất rất lớn, nhất là tại đô thị.

tranhongha.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: QH

Khi Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương làm đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu sử dụng đất giao thông sẽ tăng lên rất lớn và không thể lấy từ đâu khác ngoài 3,5 triệu ha đất nông nghiệp và 15,6 triệu ha đất lâm nghiệp.

“Nhưng phải nghiên cứu rất kỹ để đảm bảo an ninh lương thực”, Phó Thủ tướng phân tích.

Ông Trần Hồng Hà cũng cho rằng việc sử dụng 3,5 triệu ha đất lúa như thế nào cho hiệu quả là vấn đề đặt ra. Hiện giờ, địa phương nào được giao đất lúa nhiều rất khó, cần tính toán đất đa mục đích, giúp người nông dân phát triển tốt hơn.

Hành động quyết liệt để làm nhanh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Hành động quyết liệt để làm nhanh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Thường trực Chính phủ yêu cầu đổi mới cách nghĩ, cách làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với quan điểm: Hành động quyết liệt; huy động mọi nguồn lực; chuẩn bị phải chặt chẽ, kỹ lưỡng nhưng khi thực hiện phải nhanh, hiệu quả…
'Gặp núi qua núi, gặp sông bắc cầu' để xây dựng đường sắt tốc độ cao 350 km/h

‘Gặp núi qua núi, gặp sông bắc cầu’ để xây dựng đường sắt tốc độ cao 350 km/h

Phó Thủ tướng yêu cầu, việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế 350 km/h phải “thẳng nhất có thể”, “gặp núi qua núi, gặp sông bắc cầu”.
Thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam 350km/h

Thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam 350km/h

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam 350km/h để trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 xem xét, quyết định.