“Áo mới” vùng cao
Cuối năm 2023, gia đình bà Lý Thị Ngọc xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông, cuối năm 2023, đã được an cư trong ngôi nhà mới kiên cố, khang trang. Là gia đình thuộc diện hộ nghèo của địa phương, khi Chương trình MTQG 1719 được triển khai, khó khăn về nhà ở của gia đình bà Ngọc đã được giải quyết.
Chương trình MTQG 1719 được đánh giá là giải pháp tổng lực giúp thay đổi bộ mặt và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào DTTS. Thực tế cho thấy, nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 đã thực sự giải quyết những nhu cầu cấp thiết, đa dạng cho đồng bào vùng cao, tăng cường kết cấu hạ tầng nông thôn, miền núi.
Bà Triệu Thị Thu Phương Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn
“Từ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước, gia đình tôi vay thêm từ Ngân hàng Chính sách xã hội và bà con, họ hàng để xây dựng nhà. Từ nay, gia đình tôi yên tâm về nơi ở, có thêm động lực để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên để thoát nghèo” – bà Ngọc chia sẻ.
Ở huyện Chợ Mới, cuối năm 2023, hộ gia đình anh Lê Văn Tuấn, thuộc diện hỗ nghèo ở xóm Bản Lù, xã Tân Sơn cũng đã được chuyển vào ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố, khang trang từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719.
Gia đình bà Ngọc, anh Tuấn là hai trong gần 400 hộ đồng bào DTTS nghèo được hỗ trợ về nhà ở theo Dự án 1, Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong thời gian qua. Cùng với hỗ trợ đồng bào làm nhà ở, một trong những yêu cầu bức thiết của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi được đặc biệt quan tâm hỗ trợ là nước sinh hoạt.
Trong 2 năm gần đây, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện 57 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, bản còn khó khăn về nước sạch; giao trên 18 tỷ đồng cho các địa phương mua téc, vòi dẫn nước, tạo nguồn nước sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS, góp phần mang lại nguồn nước bảo đảm, giúp nâng cao sức khoẻ của cộng đồng.
Như ở xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông, từ gần hai năm nay, gia đình bà Hoàng Thị Điềm, ở thôn Khau Ca không còn phải lo lắng, tất bật đi xin từng chậu nước vào mùa khô. Bởi, công trình nước sạch của thôn Khau Ca đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Nguồn nước sinh hoạt, hợp vệ sinh thể hiện là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Từ an cư đến lạc nghiệp
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, cùng với đầu tư hạ tầng, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, tỉnh Bắc Kạn đặc biệt chú trọng các hợp phần hỗ trợ sản xuất cho đồng bào DTTS.
Điển hình như ở Pác Nặm, huyện khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, trong thời gian qua, huyện đã thực hiện 4 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng về chăn nuôi và trồng trọt tại 2 xã Bằng Thành và Bộc Bố. Đồng thời, triển khai 2 dự án chăn nuôi lợn thịt bản địa, quy mô 100 con/dự án ở xã Bằng Thành; 1 dự án trồng lê quy mô 5ha và 1 dự án chăn nuôi bò sinh sản quy mô 30 con tại xã Bộc Bố.
Còn ở xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình MTQG 1719, dự án nuôi dê đã tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS tại địa phương.
Là người được cấp 7 con dê từ dự án hỗ trợ sản xuất năm 2023, đến nay, gia đình chị Nông Thị Thơm, ở thôn Trung Tâm, xã Vũ Muộn đã sở hữu đàn dê 14 con. Theo chia sẻ của chị Thơm: Với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các hộ nghèo đã có thêm sinh kế và cơ hội để phát triển kinh tế. Với điều kiện tự nhiên ở địa phương, chăn nuôi dê có thể sẽ là hướng đi đúng đắn trong xóa đói giảm nghèo.
Qua thực tế gần 4 năm triển khai, nguồn lực đầu tư của Chương trình MTQG 1719 đã tạo những chuyển biến tích cực tại vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Bắc Kạn. Đến nay, Bắc Kạn đã phân bổ trên 2.000 tỷ đồng cho 10 dự án thành phần của Chương trình. Từ nguồn vốn được giao, hiện đã có 334 công trình thiết yếu được đầu tư, nâng cấp sửa chữa; gần 500 hộ dân được hỗ trợ làm nhà ở; 170 mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo sinh kế ở các địa phương được tổ chức thực hiện. Trong năm 2023, Bắc Kạn có 23/29 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,33%, xếp thứ 33 so với cả nước; giảm 2,76% hộ nghèo…
Theo chia sẻ của bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn: Chương trình MTQG 1719 được đánh giá là giải pháp tổng lực giúp thay đổi bộ mặt và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào DTTS. Thực tế cho thấy, nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 đã thực sự giải quyết những nhu cầu cấp thiết, đa dạng cho đồng bào vùng cao, tăng cường kết cấu hạ tầng nông thôn, miền núi.
Trong thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện tốt văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác tổ chức thực hiện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.
Năm 2024, tỉnh Bắc Kạn được phân bổ gần 1.100 tỷ đồng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG 1719. Từ nguồn lực được giao, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn tại những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục có các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt qua đó giúp đồng bào DTTS và miền núi vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Nguồn: https://baodantoc.vn/dien-mao-moi-tren-vung-cao-bac-kan-1729223294787.htm