Theo dự báo, từ nay đến ngày 10/3, không khí lạnh tiếp tục tác động đến thời tiết nước ta và gây ra nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù cho miền Bắc.
Diễn biến chi tiết về đợt nồm ẩm ở miền Bắc
Ông Nguyễn Văn Hưởng- Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: "Trong tháng 2 vẫn là tháng chính đông tức là tháng mùa đông chính ở miền Bắc. Trong khoảng từ nay đến hết tháng 2, các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ đón thêm nhiều đợt không khí lạnh nữa. Các đợt không khí lạnh này vẫn có khả năng gây ra rét đậm, rét hại trên diện rộng ở khu vực Bắc Bộ cũng như khu vực Bắc Trung Bộ.
Không khí lạnh trong giai đoạn cuối mùa thường gây ra tình trạng rét ẩm, trái ngược với tình trạng hanh khô do không khí lạnh vào đầu mùa. Tuy nhiên, dự báo tình hình mưa phùn, nồm ẩm năm nay sẽ có chuyển biến so với năm ngoái".
Diễn biến chi tiết về đợt nồm ẩm, mưa phùn dài ngày ở miền Bắc, khi nào miền Bắc hết nồm?
Theo ông Hưởng, các đợt nồm ẩm thường kéo dài từ 3-5 ngày, thậm chí cả tuần và chỉ chấm dứt hoặc thay đổi khi gió mùa Đông Bắc tràn về.
"Hiện tượng nồm ẩm là hiện tượng thường xảy ra trong giai đoạn mùa Xuân, là giai đoạn khối không khí lạnh không di chuyển Bắc Nam nữa mà di chuyển lệch về phía Đông làm cho gió Đông Bắc đến Đông ở khu vực Bắc Bộ hình thành và gây ra tình trạng, độ ẩm trong không khí ở khu vực phía Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội tăng cao, có thời điểm đạt đến ngưỡng bão hòa nên xảy ra tình tạng nồm ẩm", ông Hưởng thông tin thêm.
Tình trạng nồm ẩm thường xuất hiện trong giai đoạn cuối tháng 2, tháng 3 và tháng 4. Theo nhận định, năm nay hiện tượng nồm ẩm sẽ không mạnh mẽ như năm 2024.
Sau thời kỳ nồm ẩm, mùa nắng nóng cũng sẽ bắt đầu ở khu vực Bắc Bộ. Thời gian nắng nóng khả năng sẽ bắt đầu ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm ở các khu vực. Nắng nóng có khả năng xuất hiện trong tháng 4 ở khu vực Tây Bắc Bộ. Cường độ nắng nóng năm 2025 khả năng ít gay gắt hơn so với năm 2024.
Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 11/2-10/3, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm riêng khu vực phía Tây Bắc Bộ cao hơn từ 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Các chuyên gia cảnh báo, thời tiết nồm ẩm gây trở ngại cho sinh hoạt hằng ngày của người dân, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Độ ẩm cao cũng là môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, dị ứng, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già.
Tổng lượng mưa khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; các khu vực khác cao hơn từ 10-20mm, có nơi cao trên 30mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Từ nay đến giữa tháng 3, rãnh áp thấp xích đạo có xu hướng hoạt động mạnh, nâng trục lên phía bắc và có khả năng tác động đến khu vực phía Nam Biển Đông, không ngoại trừ ảnh hưởng đến khu vực đất liền các tỉnh phía nam nước ta.
Trong thời kỳ dự báo, khu vực Trung Bộ và Nam Bộ có khả năng xuất hiện một số ngày mưa rào rải rác và có nơi có dông. Không khí lạnh có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động cùa tàu thuyền. Trên đất liền, không khí lạnh lệch đông và biến tính có thể gây ra nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù, đặc biệt ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ tác động đến các hoạt động dân sinh cũng như giao thông của người dân.
Tin mới nhất về áp thấp nhiệt đới
Lúc 07 giờ ngày 13/02, tâm áp thấp nhiệt đới được xác định ở khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới đạt cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8. Áp thấp nhiệt đới này đang di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ từ 5-10km/h.
Dự báo đến 07 giờ ngày 14/02, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 5km/h và sẽ nằm ở vị trí 14,1 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi từ Quảng Ngãi đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vẫn duy trì ở cấp 6, giật cấp 8. Vùng nguy hiểm được xác định từ vĩ tuyến 12,0 đến 15,5 độ Vĩ Bắc và kinh tuyến 109,5 đến 112,5 độ Kinh Đông. Khu vực chịu ảnh hưởng chính là phía Tây của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển ngoài khơi từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với cấp độ rủi ro thiên tai ở mức 3.
Đến 07 giờ ngày 15/02, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 5km/h và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Lúc này, vị trí tâm vùng áp thấp được dự báo nằm ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi từ Quảng Ngãi đến Phú Yên. Sức gió giảm xuống dưới cấp 6.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực phía Tây của giữa Biển Đông, vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển ngoài khơi từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa sẽ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, gây biển động mạnh. Sóng biển tại khu vực phía Tây giữa Biển Đông và phía Tây Nam của Bắc Biển Đông có thể cao từ 2,0 đến 3,5m. Từ ngày 14/02, vùng biển ngoài khơi từ Huế đến Bình Định cũng sẽ có sóng cao từ 2,0 đến 3,0m.
Tàu thuyền hoạt động trong các khu vực nói trên cần đặc biệt lưu ý nguy cơ xảy ra giông, lốc, gió mạnh và sóng lớn. Các cơ quan chức năng và ngư dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển.
Nguồn: https://danviet.vn/dien-bien-chi-tiet-ve-dot-nom-am-mua-phun-dai-ngay-o-mien-bac-khi-nao-mien-bac-het-nom-am-2025021309094416.htm
Bình luận (0)